Ngày hội sức khỏe - Chăm sóc & tư vấn miễn phí

[GIẢI ĐÁP THẮC MẮC] Vì sao bị ợ chua sau khi ăn?

Hoa Nguyễn Thị
134

Ợ chua sau khi ăn là triệu chứng có thể gặp ở mọi đối tượng. Nếu đi kèm các biểu hiện như buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu… thì có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiêu hóa. Vậy nguyên nhân ợ chua sau khi ăn là gì và làm sao để khắc phục? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết những thắc mắc trên, mời các bạn cùng tham khảo.

1. Nguyên nhân gây ợ chua sau khi ăn

Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ợ chua sau khi ăn. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý để tìm ra nguyên nhân chính xác, từ đó có phương án điều trị phù hợp, nhanh chóng đẩy lùi triệu chứng khó chịu này.

Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây ra tình trạng ợ chua sau khi ăn:

1.1. Nạp nhiều thức ăn gây ợ chua

Đây là nguyên nhân khá phổ biến gây chứng ợ chua sau khi ăn. Nếu bạn tiêu thụ quá nhiều nhóm thực phẩm gây ợ chua như trái cây chứa acid, dưa muối chua, hoặc thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ uống có gas, cồn… thì có thể gặp triệu chứng ợ chua sau khi ăn. Nguyên nhân là do, khi đi vào cơ thể, các món ăn này làm chậm quá trình tiêu hóa của dạ dày, khiến thức ăn bị ứ đọng, lên men và sinh khí.

Tiêu thu nhiều thực phẩm giàu acid có thể khiến bạn bị ợ chua sau khi ăn

Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu acid có thể khiến bạn bị ợ chua sau khi ăn

Cùng với đó, nồng độ axit trong dạ dày cũng theo đó tăng lên, dẫn đến tình trạng trào ngược và triệu chứng ợ chua sau ăn.

1.3.Thai nghén ở phụ nữ

Phụ nữ mang thai có thể thường xuyên gặp tình trạng ợ chua sau khi ăn. Nguyên nhân là bởi khi thai nhi càng phát triển thì tử cung phải “giãn nở” to hơn, điều này sẽ gia tăng áp lực lên khoang bụng, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa của dạ dày.

Lúc này, chức năng cơ vòng bên dưới thực quản bị ảnh hưởng và hoạt động kém hiệu quả khiến dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản, gây tình trạng ợ chua, nóng rát thượng vị.

1.4.Stress

Thường xuyên căng thẳng, stress, lo âu sẽ khiến các dây thần kinh không thể điều khiển được hoạt động tiêu hóa của dạ dày. Hệ quả là bạn sẽ gặp phải nhiều triệu chứng tiêu hóa khó chịu như khó tiêu, chướng bụng và đặc biệt là hay bị ợ chua sau khi ăn.

1.5. Béo phì

Những người béo phì, thừa cân dễ bị các bệnh lý về dạ dày, đường tiêu hóa hơn người bình thường có cân nặng bình thường. Béo phì sẽ tạo áp lực lên dạ dày, dẫn đến tình trạng trào ngược axit, từ đó gây triệu chứng ợ chua, khó tiêu.

Thừa cân, béo phì sẽ gây áp lực lớn lên bụng cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng tiêu hóa

Thừa cân, béo phì sẽ gây áp lực lớn lên bụng cũng chính là nguyên nhân dẫn đến các triệu chứng tiêu hóa

1.6. Thói quen ăn uống không lành mạnh

Những thói quen ăn uống không lành mạnh như: ăn quá nhanh, ăn quá no, thường xuyên bỏ bữa, ăn tối muộn, ăn xong đi nằm ngay hoặc vận động mạnh… đều góp phần gây ra tình trạng ợ chua sau khi ăn.

1.7. Hội chứng loạn khuẩn đường ruột

Nếu đường ruột bị mất cân bằng lợi khuẩn sẽ khiến các vi khuẩn có hại sinh sôi trong đường ruột làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn. Đây cũng là nguyên nhân gây ợ chua sau khi ăn.

2. Ợ chua sau khi ăn là triệu chứng của bệnh gì?

Bên cạnh các nguyên nhân kể trên thì tình trạng ợ chua sau khi ăn có thể cảnh báo một trong số những bệnh lý sau:

2.1.Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày là bệnh lý phổ biến gây triệu chứng ợ chua sau ăn. Khi cơ thắt thực quản dưới hoạt động không hiệu quả sẽ khiến lượng axit trong dạ dày bị đẩy ngược lên thực quản, gây biểu hiện ợ chua, ợ hơi, nóng rát thượng vị.

Bệnh trào ngược dạ dày thường gặp ở những người có thói quen ăn uống không lành mạnh, nghiện thuốc lá, rượu bia, cà phê… hoặc thường xuyên căng thẳng, lo âu…

2.2.Viêm loét dạ dày tá tràng

Thường xuyên lạm dụng thuốc lá, rượu bia, ăn quá nhiều đồ chua cay, gia vị nóng… sẽ làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng. Người bị viêm loét dạ dày tá tràng sẽ có các triệu chứng thường gặp như: đầy bụng, buồn nôn, ợ chua, rối loạn tiêu hóa,…

Người bệnh mắc viêm loét dạ dày có thể bị ợ chua sau khi ăn, đầy bụng, khó tiêu...

Người bệnh mắc viêm loét dạ dày có thể bị ợ chua sau khi ăn, đầy bụng, khó tiêu…

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có ung thư dạ dày.

2.3. Thoát vị cơ hoành

Thoát vị cơ hoành có thể do bẩm sinh hoặc do tác động bên ngoài vào vùng ngực, bụng. Bệnh lý này thường có một số triệu chứng như: khó thở, chán ăn, ợ chua sau khi ăn, buồn nôn, khó tiêu, chướng bụng…

2.4. Viêm thực quản

Khi thực quản bị tổn thương sẽ tạo điều kiện để dịch acid trong dạ dày trào lên cổ họng. Từ đó, gây ra hiện tượng ợ chua sau khi ăn. Ngoài ra, người bệnh còn có các biểu hiện khác như: đau tức ngực, đau họng, khó nuốt…

Xem thêm: Thường xuyên ợ hơi vào ban đêm: Nguyên nhân và cách khắc phục

Xem thêm:  Ợ chua nóng cổ là dấu hiệu của bệnh gì?

3. Các triệu chứng đi kèm ợ chua sau khi ăn

Bên cạnh tình trạng ợ chua sau khi ăn, người bệnh có thể gặp nhiều triệu chứng khác sau khi ăn như:

– Đắng miệng.

– Cảm thấy buồn nôn hoặc nôn.

– Chướng bụng, khó tiêu, nóng rát từ vùng xương ức đến ngực.

– Khó nuốt, nuốt vướng, đau vùng ngực và đau họng.

– Thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức và đau đầu.

4. Bị ợ chua sau khi ăn nên ăn gì và kiêng gì?

Để cải thiện tình trạng ợ chua sau khi ăn, người bệnh cần nắm rõ các nhóm thực phẩm nên và không nên sử dụng dưới đây.

4.1. Ợ chua sau khi ăn nên ăn gì?

Để khắc phục tình trạng ợ chua sau khi ăn, bạn nên tham khảo các nhóm thực phẩm gồm:

– Sữa chua

– Trái cây hàm lượng axit thấp như: táo, đu đủ chín, dưa hấu, dưa gang, dựa chuột, thanh long

– Thực phẩm nhiều đạm dễ tiêu hóa như cá, thịt gà, thịt lợn, trứng,…

Cá là thực phẩm giàu đạm dễ tiêu mà bạn có thể bổ sung vào thực đơn hàng ngày

Cá là thực phẩm giàu đạm dễ tiêu mà bạn có thể bổ sung vào thực đơn hàng ngày

– Thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, hoa quả; ưu tiên các loại rau xanh có tính kiềm như: bắp cải, súp lơ xanh, cải ngồng, cải xoăn, cải ngọt,…

– Yến mạch, các loại đậu như đậu tương, đậu xanh, đậu Hà Lan, đậu đen

– Bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên chất.

4.2. Ợ chua sau khi ăn nên kiêng gì?

Người bị ợ chua sau khi ăn nên kiêng các nhóm thực phẩm sau để tránh làm nghiêm trọng hơn tình trạng ợ chua, ợ hơi, đầy bụng.

– Đồ ăn cay nóng như ớt, tiêu, tỏi,…

– Đồ ăn nhanh, chiên rán như: khoai tây chiên, thịt mỡ, thịt chiên, xúc xích,…

– Trái cây giàu acid như: cam quýt, bưởi, ổi me, chanh,…; trái cây nhiều nhựa như sung, hồng, hồng xiêm…

– Thực phẩm muối chua như: dưa chua, cà muối, măng muối,…

– Đồ uống có gas, cồn, caffeine

– Đồ uống lạnh

– Thịt đỏ

– Socola.

Xem thêm: Bị ợ chua nên ăn gì, uống gì và kiêng gì để đẩy lùi triệu chứng?

5. Lý giải tình trạng ợ chua sau khi ăn một số thực phẩm

5.1. Ăn khoai lang bị ợ chua

Một số người thường bị ợ chua sau khi ăn khoai lang, nguyên nhân là bởi loại củ này có nhiều đường, có thể khiến hệ tiêu hóa sản sinh một lượng lớn carbon dioxide (CO2), từ đó gây tình trạng đầy bụng, ợ chua và ợ hơi.

Để tránh ăn khoai lang bị ợ chua, bạn cần lưu ý: không ăn khoai lang khi đang đói bởi sẽ làm tăng tiết dịch vị dạ dày, gây nóng ruột, ợ chua, sinh hơi trướng bụng; không nên ăn khoai sống bởi nếu không bị nhiệt phá hủy thì màng tế bào tinh bột của khoai lang sẽ rất khó tiêu hóa, từ đó gây đầy hơi, ợ chua, ợ hơi, buồn nôn… Ngoài ra, nếu ăn khoai thì bạn nên giảm ăn món chính để cơ thể không bị dư thừa tinh bột.

5.2. Ăn đồ nếp bị ợ chua

Khi chúng ta ăn một số thực phẩm làm từ gạo nếp như xôi, bánh chưng, bánh dày… thường gặp tình trạng ợ chua, ợ nóng. Nguyên nhân ăn đồ nếp bị ợ chua là do món ăn có hàm lượng tinh bột dạng quánh và chất dinh dưỡng rất cao. Lượng tinh bột này có kết cấu rất vững chắc nên khó chia cắt và tiêu hóa khi đi vào dạ dày, từ đó tạo nên cảm giác khó tiêu, đầy bụng, lâu dần sẽ dẫn đến việc bị ợ chua.

Ăn nhiều đồ nếp có thể gây ợ chua sau khi ăn

Ăn nhiều đồ nếp có thể gây ợ chua

Chính vì vậy, Bạn chỉ nên ăn xôi 2 lần/ tuần, vì đây là món ăn rất giàu năng lượng và no lâu. Ngoài ra, người bị đau dạ dày và trào ngược dạ dày thực quản không được khuyến cáo ăn xôi, đặc biệt là vào bữa ăn sáng vì theo thống kê, trên 70% người bị đau dạ dày đều gặp chứng ợ chua sau khi ăn xôi nếp.

Các trường hợp người có cơ địa nóng, dễ nổi nhiệt miệng thì không nên ăn xôi. Phụ nữ đang mang thai cũng cần hạn chế ăn xôi, bởi hàm lượng tinh bột trong xôi rất cao, có thể khiến cho mẹ bầu phải đối mặt với nguy cơ tiểu đường thai kỳ.

6. Bị ợ chua sau khi ăn khi nào nên thăm khám?

Nếu triệu chứng ợ chua sau khi ăn diễn ra thường xuyên và kéo dài, kèm theo các biểu hiện bất thường dưới đây thì bạn cần đi khám sớm:

– Ợ chua ợ hơi liên tục.

– Ợ chua kèm nóng rát cổ họng, tức ngực, khó thở.

– Ợ chua kèm buồn nôn hoặc nôn.

– Ợ chua kèm khó nuốt, có cảm giác vướng ở cổ họng.

– Ợ chua kèm chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu.

– Ợ chua kèm tiêu chảy hoặc táo bón.

– Ợ chua ra máu hoặc dịch lạ.

7. Các cách trị chứng ợ chua sau khi ăn tại nhà

Ợ chua sau khi ăn nếu không kèm những triệu chứng nghiêm trọng khác, có thể được cải thiện bằng việc thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt. Bạn có thể tham khảo các cách trị ợ chua sau khi ăn tại nhà như sau:

7.1.Tập thói quen sống lành mạnh

Thói quen sinh hoạt hằng ngày có ảnh hưởng rất lớn đến việc cải thiện tình trạng ợ chua sau khi ăn. Để khắc phục chứng ợ chua sau khi ăn, bạn nên:

– Tập ăn chậm nhai kỹ; không nói chuyện khi ăn, không đi nằm ngay sau khi ăn.

– Không bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng. Không ăn tối quá muộn hoặc ăn đêm để giảm áp lực lên dạ dày.

Bạn không nên bỏ bữa sáng để tránh tình trạng đau dạ dày

Bạn không nên bỏ bữa sáng để tránh tình trạng đau dạ dày

– Không để cơ thể căng thẳng quá mức, cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi.

– Giữ cân nặng hợp lý.

– Tập gối đầu cao hơn bụng, không nằm sấp khi ngủ.

– Thường xuyên tập luyện thể dục để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

– Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm gây khó tiêu như: thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thức uống có cồn, caffeine, socola,…

– Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần theo chỉ định của bác sĩ.

7.2. Một số mẹo trị chứng ợ chua sau khi ăn

Những mẹo vặt dân gian dưới đây có thể áp dụng để cải thiện tình trạng ợ chua sau khi ăn:

– Uống nước nha đam: Uống nước ép nha đam có thể giúp giảm chứng ợ chua, ợ nóng. Bạn dùng nha đam tươi, gọt bỏ vỏ bên ngoài, ngâm trong nước muối loãng khoảng 15 phút rồi rửa lại bằng nước sạch. Sau đó, đem ép lấy nước uống. Lưu ý: chỉ nên uống khoảng 200ml nước ép nha đam mỗi ngày.

– Uống nước pha giấm táo: Bạn có thể pha 1-2 muỗng canh giấm táo pha loãng với nước trước bữa ăn có thể hỗ trợ hệ tiêu hóa.

– Uống trà gừng: Đun vài lát gừng tươi với một ít nước và pha thêm 1-2 thìa mật ong nguyên chất là bạn đã có một thức uống giúp đẩy lùi sợ chua sau khi ăn hiệu quả.

7.3. Có nên tự dùng thuốc uống điều trị ợ chua sau khi ăn không?

Câu trả lời là không. Hầu hết các bệnh lý liên quan đến tiêu hóa cần được chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. Do đó, bạn không nên chủ quan tự mua thuốc điều trị tại nhà để tránh các tác dụng phụ không mong muốn, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Xem thêm: [GIẢI ĐÁP THẮC MẮC] Bị ợ chua uống thuốc gì?

Những người bị ợ chua sau khi ăn không kèm các triệu chứng khó chịu khác có thể tham khảo các phương pháp điều trị tại nhà. Trong trường hợp triệu chứng xảy ra thường xuyên với cường độ mạnh và kèm theo nhiều dấu hiệu bất thường, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Để được giải đáp các thắc mắc khác về ợ chua cũng như đặt lịch khám cùng chuyên gia tiêu hóa hàng đầu tại CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline: 0969.566.115.

CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc

122 Nguyễn Tất Thành, Phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

Website: https://benhvienvinhphuc.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/122nguyentatthanh

Ảnh poup
Đăng ký ngay

    Chúng tôi cam kết không chia sẻ thông tin cá nhân của bạn cho bên thứ 3

    Giờ làm việc

    1900 888 656
    Đặt lịch khám