Ngày hội sức khỏe - Chăm sóc & tư vấn miễn phí

Bị ợ chua là gì? Nguyên nhân, triệu chứng đi kèm và cách khắc phục

Hoa Nguyễn Thị
132

Bị ợ chua là hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường của cơ thể, tuy nhiên đôi khi đây cũng là triệu chứng cảnh báo bất thường ở tiêu hóa. Vậy nguyên nhân gây ợ chua là gì, các triệu chứng đi kèm cũng như cách khắc phục ra sao. Tất cả sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.

1. Hiện tượng bị ợ chua là gì?

Ợ chua là quá trình sinh lý tự nhiên của cơ thể khi chúng ta ăn uống thiếu khoa học hoặc thường hay gặp ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, ợ chua liên tục hay ợ chua mãn tính có thể là triệu chứng của bệnh lý tiêu hóa, phổ biến nhất là trào ngược dạ dày – thực quản (GERD).

Ợ chua xảy ra khi dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản và khoang miệng. Do trong dịch trào ngược lên có chứa thức ăn cũ đã bị lên men nên người bệnh sẽ cảm thấy vị chua hoặc đắng, kèm theo cảm giác đau rát ở ngực.

Thông thường, khi chúng ta ăn, thức ăn di chuyển từ miệng qua thực quản và xuống dạ dày. Trong dạ dày có chứa acid giúp hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Lượng thức ăn và acid sẽ được giữ lại trong dạ dày nhờ cơ vòng dưới thực quản. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, cơ này hoạt động kém đi, mở ra lâu hơn bình thường, tạo điều kiện cho acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản và miệng, gây ra hiện tượng bị ợ chua.

Ợ chua xảy ra khi dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản và khoang miệng

Ợ chua xảy ra khi dịch vị từ dạ dày trào ngược lên thực quản và khoang miệng

Ợ chua liên tục sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, chán ăn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Triệu chứng bị ợ chua có thể cải thiện khi bạn thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu hiện tượng ợ chua xuất hiện liên tục, kéo dài thì người bệnh nên đi thăm khám sớm để được chẩn đoán và điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm.

2. Phân loại triệu chứng bị ợ chua

Dựa vào tần suất, mức độ nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể mà triệu chứng ợ chua được chia thành 2 loại là ợ chua sinh lý và ợ chua bệnh lý.

2.1. Ợ chua sinh lý

Ợ chua sinh lý là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể khi chúng ta sử dụng thực phẩm và đồ uống gây kích thích tăng tiết acid dạ dày như: cà phê, đồ uống chứa cồn, socola, bạc hà,… hoặc sau khi ăn quá no. Bên cạnh đó, tâm lý căng thẳng, lo âu kéo dài cũng gây ra triệu chứng bị ợ chua.

Ợ chua sinh lý sẽ được khắc phục nếu chúng ta thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt khoa học, điều độ.

2.2. Ợ chua bệnh lý

Ợ chua bệnh lý là một trong những dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản hoặc các bệnh lý đường tiêu hóa khác như: thoát vị hoành, xơ cứng bì, u hạt… Tần suất ợ chua bệnh lý sẽ tăng lên bất thường và kéo dài không kiểm soát, đi kèm với các triệu chứng khác như: ợ nóng, buồn nôn, đau ngực,…

3. Nguyên nhân gây triệu chứng ợ chua

Nguyên nhân gây ra hiện tượng bị ợ chua là do thói quen ăn uống sinh hoạt thiếu khoa học và các bệnh lý về đường tiêu hóa. Cụ thể như sau:

3.1. Bị ợ chua do thói quen ăn uống, sinh hoạt

Chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt không lành mạnh có thể khiến hiện tượng ợ chua xuất hiện và trở nên nghiêm trọng hơn:

Thói quen ăn uống dễ gây bị ợ chua

– Ăn quá nhanh, nhai không kỹ, thói quen ăn đêm, vừa ăn vừa nằm, vừa ăn vừa làm việc, ít uống nước, lười vận động… chính là một trong những nguyên nhân gây ợ chua.

– Thói quen ăn quá no sẽ tạo áp lực cho dạ dày, van dưới thực quản sẽ mở ra làm tăng nguy cơ gây ra chứng ợ chua.

Ăn quá no sẽ tạo áp lực khiến cơ thắt dưới thực quản mở ra, làm acid dạ dày trào ngược lên thực quản và khoang miệng gây ợ chua

Ăn quá no sẽ tạo áp lực khiến cơ thắt dưới thực quản mở ra, làm acid dạ dày trào ngược lên thực quản và khoang miệng gây ợ chua

– Thường xuyên ăn đồ chua, cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn, uống cà phê, bia rượu, đồ uống có ga, hút thuốc lá … cũng là một nguyên nhân phổ biến gây tăng tiết acid dạ dày và khiến chúng ta thường xuyên bị ợ chua.

– Không đánh răng thường xuyên hoặc giữ vệ sinh răng miệng kém có thể tạo ra vị chua hoặc đắng trong miệng.

Thường xuyên căng thẳng, lo âu

Thường xuyên căng thẳng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý, trong đó có bệnh về tiêu hóa. Khi bạn căng thẳng, hệ thần kinh trung ương sẽ gặp áp lực và  giảm khả năng điều khiển hoạt động tiêu hóa, tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa. Do đó, những người gặp căng thẳng kéo dài có nguy cơ phải đối mặt thường xuyên với chứng ợ nóng, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu.

3.2. Bị ợ chua do mắc các bệnh lý tiêu hóa

Triệu chứng bị ợ chua liên tục và kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý về đường tiêu hóa bao gồm:

3.2.1.Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày – thực quản là nguyên nhân phổ biến gây triệu chứng bị ợ chua, xảy ra khi dịch acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản và khoang miệng. Cơ chế gây bệnh trào ngược dạ dày – thực quản dựa trên 3 yếu tố chính bao gồm: tăng tiết acid dạ dày, rối loạn nhu động ruột dạ dày và suy giảm chức năng cơ thắt thực quản dưới.

Khi dịch acid dạ dày sẽ gây kích ứng niêm mạc thực quản, từ đó khiến người bệnh gặp tình trạng ợ chua, đau ngực và viêm họng. Ngoài ra, bệnh nhân mắc trào ngược dạ dày còn dễ gặp tình trạng nóng rát thực quản, ợ nóng, ợ hơi.

3.2.2.Thoát vị hoành

Thoát vị hoành là tình trạng dạ dày trượt lên qua cơ hoành, khiến cơ thắt dưới thực quản không nằm cùng mức với cơ hoành, từ đó gây tình trạng trào ngược acid từ dạ dày lên thực quản.

Theo một nghiên cứu đánh giá mối quan hệ giữa thoát vị hoành và viêm thực quản do trào ngược dạ dày – thực quản thì tỷ lệ thoát vị hoành ở bệnh nhân mắc bệnh trào ngược dạ dày – thực quản là 94%.

3.2.3. Loạn khuẩn đường ruột

Trong đường ruột, vì lí do nào đó mà vi khuẩn có lợi suy yếu, vi khuẩn có hại mạnh lên hoặc do tác động của các yếu tố độc hại kích thích vi khuẩn phát triển thì người bệnh sẽ dễ mắc rối loạn tiêu hóa.

Loạn khuẩn đường ruột là một nguyên nhân gây ra chứng bị ợ chua

Loạn khuẩn đường ruột là một nguyên nhân gây ra chứng bị ợ chua

Chứng rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu hóa của đường ruột, thức ăn không được tiêu hóa hết mà bị lên men, sinh khí, sẽ gây ra hiện tượng ợ hơi, đầy bụng. Cùng lúc đó, cơ thể sẽ phải đẩy lượng khí này ra bên ngoài qua đường miệng, làm xuất hiện triệu chứng ợ chua.

3.2.4. Rối loạn nhu động ruột

Rối loạn nhu động ruột là tình trạng chức năng đường ruột bị rối loạn, nhu động sẽ vận động theo chiều ngược lại, đẩy thức ăn ngược trở lại vào thực quản và miệng, khiến người bệnh hay bị ợ chua.

Nguyên nhân gây rối loạn nhu động ruột là do người bệnh ăn phải thực phẩm gây kích ứng đường ruột hoặc do các bệnh lý tiêu hóa như: hội chứng ruột kích thích (IBS), bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD).

3.2.5.Thiếu kẽm

Kẽm là một trong những khoáng chất cần thiết cho cơ thể giúp các tế bào phân chia, tăng cường hệ miễn dịch, duy trì khứu giác và vị giác. Do đó, thiếu kẽm là một trong những nguyên nhân có thể gây rối loạn vị giác, trong đó có cảm giác chua miệng.

3.2.6. Xạ trị ung thư

Các bệnh nhân mắc ung thư vùng đầu và cổ khi thực hiện xạ trị điều trị có thể gây tổn thương các mô nước bọt, từ đó làm xuất hiện vị chua trong miệng.

3.2.7.Thừa cân, béo phì

Ở những người thừa cân béo phì sẽ tạo áp lực lớn, tác động trực tiếp lên vùng bụng và cơ thắt thực quản. Từ đó, làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày – thực quản gây ợ chua.

3.2.8.Tác dụng phụ của thuốc

 Một số loại thuốc như: thuốc nhuận tràng, thuốc chống viêm không steroid (NSAID),… có thể gây tác dụng phụ như làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới gây tình trạng bị ợ chua.

Tác dụng phụ của một số loại thuốc sẽ làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới gây tình trạng bị ợ chua

Tác dụng phụ của một số loại thuốc sẽ làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới gây tình trạng bị ợ chua

3.2.9. Hội chứng khô miệng

Một số người mắc hội chứng khô miệng sẽ bị giảm sản xuất nước bọt, dẫn đến rối loạn vị giác. Lúc này, người bệnh có thể gặp tình trạng chua miệng.

3.2.10. Phụ nữ mang thai

Thai nhi càng phát triển thì tử cung càng phải mở rộng ra, điều này làm tăng áp lực trong khoang bụng và ảnh hưởng đến chức năng cơ vòng dưới thực quản. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai rất dễ gặp ợ nóng, ợ hơi, ợ chua,… đặc biệt là các tháng cuối thai kỳ.

4. Các triệu chứng đi kèm với tình trạng bị ợ chua

Tình trạng ợ chua có thể kèm với một hoặc  nhiều triệu chứng khác, bao gồm:

– Cảm giác nóng rát thượng vị sau khi ăn, đặc biệt có thể nặng hơn vào ban đêm

– Đau tức ngực

– Khó nuốt, nuốt nghẹn

– Khó tiêu, đầy bụng, ợ hơi

– Khó thở

– Buồn nôn, nôn

– Ho khan, viêm họng

– Chua và đắng miệng,

– Miệng tăng tiết nước bọt

– Hôi miệng

– Mòn men răng

Ngoài ra, ợ chua cũng có thể là dấu hiệu mang thai nếu đi kèm chậm kinh, buồn nôn và nôn, căng tức ngực, đi tiêu nhiều, thay đổi vị giác, chán ăn, mệt mỏi. Tuy nhiên, để biêt chắc chắn, bạn vẫn cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán chính xác tình trạng.

5. Bị ợ chua khi nào cần thăm khám?

Khi triệu chứng bị ợ chua xuất hiện liên tục kèm theo các biểu hiện nghiêm trọng dưới đây thì bạn cần đi khám sớm:

– Sụt cân đột ngột

– Nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu

– Khó nuốt, đau khi nuốt

– Thở khò khè, ho khan nhiều

Triệu chứng bị ợ chua xuất hiện liên tục kèm theo thở khò khè, ho nhiều, viêm họng thì bạn cần thăm khám sớm

Triệu chứng bị ợ chua xuất hiện liên tục kèm theo thở khò khè, ho nhiều, viêm họng thì bạn cần thăm khám sớm

– Khàn giọng, đặc biệt vào buổi sáng

– Viêm họng mãn tính

– Nấc cụt liên tục không kiểm soát

6. Chẩn đoán nguyên nhân bị ợ chua như thế nào?

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây triệu chứng ợ chua, bác sĩ sẽ kết hợp khám lâm sàng và cận lâm sàng để loại trừ các bệnh lý liên quan. Cụ thể:

6.1. Khám lâm sàng

Khám lâm sàng giúp bác sĩ nắm được thông tin bệnh sử, tình trạng bệnh lý cũng như sức khỏe hiện tại của người bệnh, từ đó đưa ra hẩn đoán ban đầu cũng như chỉ định các cận lâm sàng phù hợp để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Người bệnh sẽ được hỏi các thông tin như: triệu chứng bị ợ chua bắt đầu khi nào, tần suất ợ chua, các triệu chứng đi kèm, tiền sử mắc bệnh tiêu hóa, tiền sử dị ứng thực phẩm – thuốc, có đang mang thai không, có đang sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng nào không…

6.2. Cận lâm sàng chẩn đoán

Sau khám lâm sàng, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác nguyên nhân bị ợ chua:

6.2.1. Nội soi đường tiêu hóa trên

Nội soi tiêu hóa trên bao gồm nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng, giúp bác sĩ quan sát toàn bộ lớp niêm mạc từ thực quản đến tá tràng, xác định chính xác vị trí bị viêm, mức độ tổn thương. Từ đó tìm ra nguyên nhân gây chứng ợ chua.

Nội soi dạ dày là phương pháp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ợ chua kéo dài

Nội soi dạ dày là phương pháp chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ợ chua kéo dài

Hiện tại thì nội soi đường tiêu hóa trên được đánh giá là phương pháp an toàn, chính xác và tối ưu trong tầm soát các bệnh lý tiêu hóa bao gồm cả ung thư.

6.2.2. Chụp X-quang cản quang

Bác sĩ sẽ sử dụng chất tương phản bari để phủ lên niêm mạc dạ dày – thực quản giúp phát hiện các vết loét thực quản và hẹp thực quản. Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả để phát hiện bệnh trào ngược dạ dày – thực quản mức độ nhẹ và vừa.

6.2.3.Thăm dò chức năng

– Kiểm tra độ pH: Nếu nội soi dạ dày không thấy bất thường, bác sĩ có thể đo nồng độ acid bên trong thực quản bằng cách thực hiện kiểm tra pH 24 giờ. Đây là xét nghiệm dùng để đánh giá lượng acid trào ngược từ dạ dày lên thực quản, thường chỉ định cho người bệnh có các triệu chứng như ợ chua, ợ nóng, đau ngực, ho khan kéo dài.

– Đo áp lực thực quản: Là kỹ thuật giúp khảo sát chức năng thực quản bằng cách đo các cơn co bóp của thực quản và sự phối hợp của các cơ thực quản trong quá trình vận chuyển thức ăn đến dạ dày của bạn. Kỹ thuật này dùng trong chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày – thực quản.

7. Các phương pháp điều trị triệu chứng bị ợ chua

Phương pháp điều trị ợ chua phụ thuộc vào nguyên nhân ra triệu chứng này. Một số cách trị ợ chua thường được sử dụng bao gồm:

7.1. Thay đổi thói quen ăn uống

Để cải thiện tình trạng bị ợ chua do trào ngược dạ dày, người bệnh cần lưu ý những thực phẩm nên ăn cũng như hạn chế ăn, bao gồm:

Thực phẩm nên ăn

– Thực phẩm có tác dụng trung hòa acid như: bột ngũ cốc, bột yến mạch, các loại bánh mì,…

– Ăn các chất đạm dễ tiêu như thịt vịt, thịt lợn nạc…

Thịt gà là thực phẩm giàu đạm có tác dụng trung hòa acid, dễ tiêu hóa

Thịt gà là thực phẩm giàu đạm dễ tiêu hóa, có tác dụng trung hòa acid

– Bổ sung chất xơ từ rau củ, ăn nhiều bông cải xanh, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu Hà Lan,…

– Sữa chua: Có chứa rất nhiều lợi khuẩn, giúp quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn, tạo cảm giác ngon miệng nhưng không nên dùng sữa chua khi đói bụng.

– Sử dụng các thực phẩm hỗ trợ trị ợ chua theo dân gian như gừng, hoa cúc, nghệ, mật ong,…

Thực phẩm nên kiêng ăn

Một số loại thực phẩm có thể khiến tình trạng bị ợ chua nghiêm trọng hơn, do đó bạn nên hạn chế sử dụng:

– Thức ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào; thức ăn đóng hộp, chế biến sẵn

– Thức ăn cay nóng

– Sôcôla

– Bạc hà

– Thực phẩm chứa caffeine

– Trái cây họ cam quýt

– Thức uống có cồn

7.2. Thay đổi thói quen sinh hoạt

Thay đổi thói quen sinh hoạt tại nhà có thể giúp người bệnh giảm triệu chứng ợ chua do trào ngược acid dạ dày, bao gồm:

– Nâng cao đầu khi nằm ngủ để tránh trào ngược dạ dày.

– Chia nhỏ bữa ăn trong ngày giúp kiểm soát các triệu chứng trào ngược.

– Nên ăn chậm, nhai kỹ, hạn chế nói chuyện khi ăn.

– Không đi nằm ngay sau khi ăn vì dạ dày cần ít nhất từ 2 – 3 giờ để acid giảm xuống.

– Uống nhiều nước mỗi ngày để hỗ trợ quá trình vẫn chuyển và tiêu hóa thức ăn.

– Không hút thuốc lá vì có thể sẽ làm suy yếu cơ thắt thực quản dưới – nguyên nhân khiến dịch acid trào ngược từ dạ dày lên thực quản.

– Duy trì cân nặng hợp lý để tránh gây áp lực lên hệ tiêu hóa.

Duy trì cân nặng hợp lý để tránh gây áp lực lên hệ tiêu hóa

Duy trì cân nặng hợp lý để tránh gây áp lực lên hệ tiêu hóa

– Tránh mặc quần áo chật để hạn chế gây áp lực lên bụng và phần dưới của thực quản.

– Hạn chế căng thẳng, stress, lo âu để não bộ kiểm soát hệ tiêu hóa tốt hơn.

– Đi bộ nhẹ nhàng sau khi ăn giúp thức ăn tiêu hóa nhanh hơn, hạn chế bị ợ chua.

– Vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

7.3. Sử dụng thuốc điều trị ợ chua

Nếu bạn bị ợ chua do bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) thì bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc không kê đơn (OTC) hoặc thuốc kê đơn bao gồm: thuốc kháng acid dạ dày, thuốc ức chế acid dạ dày và thuốc ức chế bơm proton (PPI) hỗ trợ giảm triệu chứng ợ chua và trào ngược acid dạ dày.

Tuy nhiên, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để hạn chế tối đa các tác dụng phụ.

Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuât nếu các triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản quá nghiêm trọng gây biến chứng viêm thực quản nặng, khối thoát vị hoành lớn, xuất huyết, hẹp – loét thực quản…

Bị ợ chua thông thường không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.Tuy nhiên, bạn cần lưu tâm khi đây là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm về tiêu hóa. Điều quan trọng hàng đầu là bạn cần xây dựng thói quen uống và sinh hoạt thật khoa học cũng như chủ động thăm khám sớm khi tình trạng ợ chua không thuyên giảm.

Hy vọng rằng với những thông tin trong bài viết trên, khách hàng đã hiểu thêm về triệu chứng bị ợ chua. Để được giải đáp các thắc mắc về ợ chua cũng như đặt lịch khám cùng chuyên gia tiêu hóa hàng đầu tại CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline: 0969.566.115.

CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc

122 Nguyễn Tất Thành, Phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

Website: https://benhvienvinhphuc.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/122nguyentatthanh

Ảnh poup
Đăng ký ngay

    Chúng tôi cam kết không chia sẻ thông tin cá nhân của bạn cho bên thứ 3

    Giờ làm việc

    1900 888 656
    Đặt lịch khám