Ngày hội sức khỏe - Chăm sóc & tư vấn miễn phí

Nguyên nhân gây đầy hơi ợ chua là gì? Các biện pháp khắc phục

Hoa Nguyễn Thị
107

Đầy hơi ợ chua có thể chỉ là biểu hiện của tình trạng rối loạn tiêu hóa do thói quen ăn uống không khoa học nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý về như viêm loét dạ dày – tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản… Bài viết dưới đây sẽ giải đáp về những nguyên nhân gây đầy hơi ợ chua và các biện pháp khắc phục.

1. Đầy hơi ợ chua là hiện tượng gì?

Thông thường, thời gian tiêu hóa thức ăn ở dạ dày và hấp thu ở ruột non kéo dài từ 3-5 giờ. Nếu quá 3 -5 giờ mà thức ăn vẫn chưa được tiêu hóa sẽ sinh ra tình trạng đầy hơi.

Triệu chứng đầy hơi ợ chua xuất hiện khi lượng hơi trong đường tiêu hóa tăng lên do sự rối loạn chuyển hóa các chất tinh bột; rối loạn tính chất lên men của các vi khuẩn bình thường có trong ruột; hoặc do sự sinh hơi của một số vi khuẩn bình thường có trong đường ruột như E.coli, Enterobacter, Citrobacter…

Đầy hơi ợ chua có thể chỉ là biểu hiện của tình trạng rối loạn tiêu hóa do thói quen ăn uống không khoa học

Đầy hơi ợ chua có thể chỉ là biểu hiện của tình trạng rối loạn tiêu hóa do thói quen ăn uống không khoa học

Lúc này, dạ dày buộc phải “xả” bớt lượng hơi dư thừa này ra khỏi cơ thể qua đường miệng, bằng hình thức “ợ”. Một số biểu hiện đi kèm chứng đầy hơi bao gồm: ợ hơi nhiều lần, ợ chua, nóng rát họng, buồn nôn hoặc nôn, bụng tức nặng, ậm ạch, khó chịu, đau âm ỉ, bị tiêu chảy hoặc táo bón… nghiêm trọng hơn, có thể gây ra đau toàn vùng bụng, đau thắt ngực sau khi ăn.

Tham khảo: Bị ợ chua là gì?

2. Nguyên nhân gây đầy hơi ợ chua

2.1. Đầy hơi ợ chua do thói quen ăn uống và sinh hoạt

Một số thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học dưới đây có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đầy hơi ợ chua:

– Do ăn quá nhiều chất tinh bột mà cơ thể không đủ lượng men tiêu hóa (men amilaza…) để chuyển hóa hết chúng, khiến thức ăn bị tồn đọng trọng dạ dày, lên men và sinh ra nhiều khí dư thừa.

– Thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ, làm cho lượng không khí lớn cùng với thức ăn được đưa vào dạ dày, từ đó gây tình trạng đầy hơi, chướng bụng…

– Ăn nhiều chất béo (thịt, mỡ, thức ăn nhanh, đồ đóng hộp…), đây đều là những thực phẩm khó tiêu, làm ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa của dạ dày. Ngoài ra, việc sử dụng nhiều gia vị cay nóng trong mỗi bữa ăn (ớt, tỏi…) cũng sẽ gây kích thích niêm mạc dạ dày, về lâu dài sẽ gây ra tình trạng viêm loét..

– Ăn xong đi nằm nghỉ ngay cũng là thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, gây tình trạng đầy hơi ợ chua, chướng bụng, sôi bụng.

– Lạm dụng các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá sẽ làm tăng tiết acid dịch vị, gây nóng rát vùng thượng vị, ợ chua.

Xem thêm:  Ợ chua nóng cổ là dấu hiệu của bệnh gì?

Xem thêm: Thường xuyên ợ hơi vào ban đêm: Nguyên nhân và cách khắc phục

2.2. Đầy hơi ợ chua do bệnh lý

2.2.1.Viêm dạ dày

Nguyên nhân phổ biến gây viêm dạ dày là do nhiễm khuẩn Helicobacter pylori (Hp), lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thói quen hút thuốc lá, rượu bia quá mức, áp lực, căng thẳng thời gian dài,…

Viêm dạ dày được chia thành viêm dạ dày cấp tính và mạn tính. Đối với viêm cấp tính, các triệu chứng xuất hiện đột ngột và nhanh khỏi, trong khi viêm mạn tính thì triệu chứng kéo dài, gây tổn thương dạ dày liên tục.

Một số triệu chứng thường gặp của viêm dạ dày gồm: đầy hơi ợ chua, đau rát thượng vị, buồn nôn và nôn, khó tiêu, chán ăn…

2.2.2.Loét dạ dày – tá tràng

Loét dạ dày – tá tràng là tình trạng các ổ loét xuất hiện trên thành dạ dày do sự bài tiết acid dạ dày hoặc pepsin. Nguyên nhân gây loét là do lớp nhầy trên niêm mạc dạ dày bị tổn thương, dẫn đến mất chức năng bảo vệ niêm mạc trước sự tấn công của acid dạ dày.

Loét dạ dày tá tràng có thể gây ra triệu chứng đầy bụng ợ chua

Loét dạ dày tá tràng có thể gây ra triệu chứng đầy bụng ợ chua

Việc lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), nhiễm khuẩn HP, thường xuyên hút thuốc lá, rượu bia,… là các yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện các ổ loét trong dạ dày – tá tràng.

Các triệu chứng của loét dạ dày – tá tràng bao gồm: ợ chua đầy hơi, nóng rát thượng vị, buồn nôn và nôn, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, chán ăn…

2.2.3. Chứng khó tiêu

Chứng khó tiêu là các triệu chứng xảy ra trên thực quản, dạ dày và tá tràng bao gồm buồn nôn, đầy bụng, cảm giác ăn nhanh no và khó chịu ngay sau bữa ăn.

Ăn quá nhiều, ăn nhanh, lạm dụng rượu bia, thuốc gây kích ứng dạ dày như ibuprofen… là các nguyên nhân phổ biến gây chứng khó tiêu. Ngoài ra, đây cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý tiêu hóa nghiêm trọng khác như: loét dạ dày – tá tràng, ung thư tiêu hóa hoặc suy gan.

Một số triệu chứng thường gặp của chứng khó tiêu là: ợ chua đầy hơi, ợ hơi, chướng bụng…

2.2.4. Rối loạn đường ruột mạn tính

Rối loạn đường ruột mạn tính bao gồm hội chứng ruột kích thích (IBS) và bệnh Crohn cũng khiến cơ thể bị đầy hơi, ợ chua, tiêu chảy, nôn ói,…

Những người mắc bệnh IBS-C, hoạt động của nhu động ruột sẽ chậm hơn, khiến thời gian thức ăn tồn trong ruột lâu hơn nên tỷ lệ đầy hơi sẽ cao hơn người bình thường.

2.2.5. Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày – thực quản nguyên nhân hàng đầu gây tình trạng đầy hơi ợ chua. Khi lượng acid được tiết ra quá nhiều tại dạ dày, lượng khí dư thừa lớn, cùng với đó cơ thắt thực quản dưới hoạt động kém hiệu quả sẽ tạo điều kiện cho dịch vị trào ngược lên thực quản, gây tình trạng đầy hơi ợ chua.

Chứng trào ngược dạ dày thực quản

Người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể gặp các triệu chứng điển hình như đầy hơi ợ chua, nóng rát thượng vị

3. Các biện pháp khắc phục đầy hơi ợ chua

3.1.Thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt

Các chuyên gia cho biết, nếu đầy hơi ợ chua là nguyên nhân do ăn uống thì không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe. Bạn có thể khắc phục các triệu chứng này bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt. Cụ thể:

– Tăng cường hoa quả và rau xanh để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất cho cơ thể, nâng cao sức đề kháng.

– Uống từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày để hỗ trợ vận chuyển và tiêu hóa thức ăn tại dạ dày.

– Ăn uống đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ; hạn chế nói chuyện khi ăn; không ăn quá no; sau bữa ăn, bạn nên đi đi lại nhẹ nhàng để quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi.

– Làm việc điều độ… giúp tinh thần thoải mái, giải tỏa stress, để hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn.

– Luyện tập thể dục thể thao hàng ngày cũng là cách giúp nhu động ruột hoạt động đều, tiêu hóa tốt.

– Đối với người bị đầy hơi ợ chua, để tránh áp lực cho dạ dày nên chia bữa ăn thành 4 – 5 bữa nhỏ mỗi ngày.

– Ưu tiên thực phẩm chứa chất đạm dễ tiêu và sản phẩm từ sữa chứa ít đường – béo.

– Hạn chế ăn thực phẩm chiên rán, nhiều tinh bột và nhiều chất xơ; các thức ăn chua, cay, bánh kẹo, đồ ngọt; các chất kích thích như cà phê, rượu, bia, thuốc lá.

– Bỏ thói quen nhai kẹo cao su bới điều này sẽ khiến bụng bị tích nhiều khí làm nặng thêm chứng đầy hơi, chướng bụng.

3.2. Áp dụng một số mẹo trị đầy bụng ợ chua

Một số mẹo hữu ích sau có thể giúp bạn đẩy lùi triệu chứng đầy hơi ợ chua như: ăn vài lát gừng tươi chấm muối; uống trà gừng nóng; uống nước chanh gừng (dùng 1 cốc nước ấm pha với một thìa mật ong, 2 thìa nước cốt chanh và vài lát gừng); uống trà nóng pha vài giọt tinh dầu bạc hà hoặc ăn vài nhánh bạc hà tươi.

Gừng chứa Gingerol và Shoga có tác dụng làm sạch đường ruột, vì thế giúp cải thiện chứng đầy bụng ợ hơi khó tiêu

Gừng chứa Gingerol và Shoga có tác dụng làm sạch đường ruột, vì thế giúp cải thiện chứng đầy bụng ợ chua,khó tiêu

Ngoài ra, bạn có thể dùng tay mát xa nhẹ nhàng vùng bụng, xoa vòng tròn theo chiều kim đồng hồ. Dùng túi chườm bụng hoặc dùng khăn nóng để chườm.

3.3. Các thuốc trị đầy bụng ợ chua

Nếu đầy bụng ợ chua do bệnh dạ dày gây ra, người bệnh có thể dùng thuốc chống bài tiết dịch vị, từ đó giảm đầy hơi ợ chua bằng loại ức chế bơm proton (PPI), ví dụ, omeprazol hoặc lanzoprazol, pantoprazol, rabeprazol, esomeprazol… Tuy nhiên, không lạm dụng dùng thuốc này dài ngày.

Bên cạnh đó, thuốc điều hòa sự co bóp dạ dày (metoclopramid) có tác dụng làm tăng trương lực dạ dày, đẩy thức ăn xuống ruột già, hỗ trợ hệ tiêu hóa và làm tăng nhu động ruột, làm giảm hiện tượng đầy hơi, chướng bụng, ợ hơi, ợ chua.

Người bệnh cũng có thể dùng men tiêu hóa trong trường hợp xác định đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu. Thông dụng nhất là dùng enzym dịch tụy (alipase, festal, pancréalase, néo-peptin). Các men tiêu hóa nên uống ngay trước hoặc cùng với bữa ăn.

Người bệnh cũng có thể dùng men tiêu hóa trong trường hợp xác định đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu

Người bệnh cũng có thể dùng men tiêu hóa trong trường hợp xác định đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu

** Lưu ý: Bất kỳ các thuốc dùng điều trị đầy hơi ợ chua đều phải có chỉ định của bác sĩ, bởi ngoài tác dụng chính thuốc còn có một số tác dụng phụ mà không phải người bệnh nào cũng có thể dùng được. Do đó, bạn không nên tự chẩn đoán, tự mua thuốc điều trị sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Đầy bụng ợ chua nếu diễn ra thường xuyên và kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, dẫn đến suy kiệt thì đó có thể là triệu chứng cảnh báo một số bệnh như viêm loét dạ dày – tá tràng, ung thư dạ dày – tá tràng, viêm gan… Khi đó, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám sớm, từ đó tìm ra nguyên nhân và có biện pháp can thiệp phù hợp.

Để được giải đáp các thắc mắc khác về ợ chua cũng như đặt lịch khám cùng chuyên gia tiêu hóa hàng đầu tại CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline: 0969.566.115.

CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc

122 Nguyễn Tất Thành, Phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

Website: https://benhvienvinhphuc.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/phongkham.benhvienquoctevinhphuc

 

Ảnh poup
Đăng ký ngay

    Chúng tôi cam kết không chia sẻ thông tin cá nhân của bạn cho bên thứ 3

    Giờ làm việc

    1900 888 656
    Đặt lịch khám