Ngày hội sức khỏe - Chăm sóc & tư vấn miễn phí

[CHI TIẾT NHẤT] Đau thượng vị: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Hoa Nguyễn Thị
91

Đau thượng vị là bệnh lý đường tiêu hóa khá phổ biến mà nhiều người mắc phải. Việc nắm rõ các thông tin về bệnh sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc nhận biết, điều trị và phòng ngừa. Từ đó, giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa của bản thân. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin cơ bản nhất về đau thượng vị dành cho bạn.

1. Vùng thượng vị là vùng nào? 

Vùng thượng vị là khu vực trên rốn, dưới xương khung xương sườn, nơi tập trung nhiều bộ phận quan trọng của cơ thể như: dạ dày, tuyến mật, tuyến tụy… 

Các cơn đau bụng ở khu vực bên dưới xương sườn và trên rốn được gọi là đau vùng thượng vị. Đau vùng thượng vị thường khiến bệnh nhân rất khó chịu. Tình trạng căng tức vùng thượng vị ở mỗi người sẽ có biểu hiện và mức độ không giống nhau, có thể là đau âm ỉ, đau nhói, thi thoảng xuất hiện hoặc có thể là đau quặn, kéo dài liên tục, đau dữ dội vùng thượng vị, hoặc đau lan ra sau lưng,…

Vùng thượng vị là vùng nào? 

Vùng thượng vị là khu vực trên rốn, dưới xương khung xương sườn

Thông thường, đau thượng vị sẽ đi kèm các dấu hiệu khác như: ợ hơi, ợ chua, nóng rát vùng cổ, ngực, buồn nôn, chướng bụng, khó tiêu… nhưng phổ biến nhất với triệu chứng ợ hơi và chủ yếu xuất hiệu sau khi ăn xong, đặc biệt là sau ăn đồ chua, cay nóng,… hoặc uống nhiều rượu bia.

2. Vị trí đau thượng vị ở đâu?

Cơn đau thượng vị thường xuất hiện ở các khu vực như:

2.1. Đau thượng vị lan ra sau lưng

Đau thượng vị thường xảy ra ở vùng bụng trên nhưng một số trường hợp người bệnh còn cảm nhận thấy cơn đau lan ra sau lưng. Tùy nguyên nhân gây bệnh mà cơn đau có thể dữ dội, đau quặn từng cơn hay đau âm ỉ, đau nhói.

Thông thường, đau thượng vị lan ra sau lưng là dấu hiệu cảnh báo các bệnh ở dạ dày. Triệu chứng này nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể  gây ra một số biến chứng như: viêm loét dạ dày, viêm đại tràng cấp hoặc mạn tính, bệnh về gan, mật, tụy… Vì vậy, khi thấy dấu hiệu đau thượng vị lan ra sau lưng, người bệnh nên đi khám sớm tại các cơ sở y tế uy tín.

2.2. Đau thượng vị bên trái

Một số trường hợp, cơn đau thượng vị bên trái có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý tiêu hóa liên quan tới các cơ  quan tại vị trí đó: đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng, tắc ruột, sỏi thận…

Đau thượng vị bên trái

Đau thượng vị bên trái là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý như: đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng, tắc ruột, sỏi thận

2.3. Đau vùng thượng vị bên phải

Vùng bụng bên phải là nơi tập trung các cơ quan như: đại tràng, manh tràng, ruột thừa, niệu quản, túi mật… Các cơn đau thượng vị bên phải ít gặp nhưng ẩn chứa một số bệnh lý nguy hiểm bao gồm: xơ gan, ung thư gan, sỏi mật, viêm ruột thừa, đau dạ dày, viêm loét dạ dày…

3. Các triệu chứng đau vùng thượng vị

Khi bạn bị đau vùng thượng vị sẽ có những triệu chứng như:

– Đau từng cơn: Cơn đau xuất hiện ở vùng thượng vị, đau từng cơn, cơn đau ngắn nhưng lặp lại nhiều lần trong ngày, đôi khi cơn đau có thể lan sang các vùng xung quanh khiến người bệnh khó chịu.

– Kèm theo các triệu chứng bất thường: Cơn đau thượng vị kéo dài kèm theo các dấu hiệu như buồn nôn và nôn, trào ngược dạ dày  thực quản, ợ chua, chướng bụng…

– Đau âm ỉ: Cơn đau thường kéo dài từ 15 – 20 phút và lặp lại nhiều lần trong ngày, có thể đau âm ỉ bên trong mà không theo cơn. Người bệnh cảm thấy đau nhiều hơn nếu vận động mạnh hoặc khi đói.

– Nóng rát vùng thượng vị: Người bệnh sẽ cảm thấy nóng vùng trên bụng, dưới xương ức. Tình trạng này có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, kèm theo dấu hiệu mệt mỏi, chướng bụng.

– Đau nhói, đau quặn thượng vị: Người bị đau thượng vị có thể có cảm giác đau nhói hoặc quặn lên rất đau đớn nhưng không kéo dài. Đây có thể là cơn đau cấp tính nên người bệnh không nên chủ quan, cần thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa để được xử trí kịp thời.

4. Đau thượng vị thường xảy ra vào thời điểm nào?

Thời điểm phổ biến của cơn đau vùng thượng vị là lúc nào? Cơn đau thượng vị xảy ra ở rất nhiều thời điểm khác nhau, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:

4.1. Đau thượng vị về đêm 

Đây là tình trạng thường có chu kì lặp lại, vào khoảng 1 – 2 giờ sáng. Hiện tượng này có thể do các bệnh lý như: Viêm loét dạ dày tá tràng, viêm tụy, trào ngược dạ dày …Đau vùng thượng vị về đêm xảy ra do dịch acid dạ dày tăng cao vào thời điểm dạ dày trống, đã tiêu hóa hết thức ăn, làm tăng nguy cơ viêm loét và đau thượng vị.

Đau thượng vị về đêm 

Đau thượng vị về đêm có thể do các bệnh lý như: viêm loét dạ dày tá tràng, viêm tụy, trào ngược dạ dày…

4.2. Đau thượng vị khi đói

Khi dạ dày rỗng, dịch acid dạ dày sẽ tăng tiết nên dễ gây ra tình trạng đau vùng thượng vị. Đặc biệt, người bệnh sẽ cảm nhận rõ ràng nhất cơn đau thượng vị khi dạ dày đã tiêu hóa hết thức ăn hoặc khi bụng đói.

4.3. Đau thượng vị sau khi ăn

Xuất hiện khi bạn có ổ viêm loét dạ dày. Lúc này thức ăn được vận chuyển vào các cơ quan tiêu hóa sẽ tạo ma sát và tác động đến vùng bị viêm loét, từ đó gây đau thượng vị sau ăn.

Một số trường hợp bệnh nhân đau dữ dội ở thượng vị, cần thận trọng tình trạng viêm tụy cấp.

5. Nguyên nhân gây ra tình trạng đau thượng vị là gì?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đau thượng vị và để có phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả thì người bệnh cần hiểu rõ được các nguyên nhân. Cụ thể:

5.1. Nguyên nhân đau thượng vị không do bệnh lý

5.1.1.Chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học

Chế độ dinh dưỡng không khoa học là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tình trạng đau thượng vị:

– Ăn quá no hoặc để bụng quá đói: Mặc dù dạ dày có khả năng co giãn linh hoạt nhưng nếu cơ quan này phải tiêu hóa một lượng thức ăn quá lớn vào một thời điểm thì gây ra áp lực tiêu hóa thức ăn, từ đó làm xuất hiện các cơn đau thượng vị. Ngược lại, nếu để bụng quá đói sẽ khiến dạ dày tăng tiết dịch acid, gây tác động xấu lên niêm mạc dạ dày, là nguyên nhân gây ra các cơn đau thượng vị.

Đồ chiên xào cay nóng

Ăn quá nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ, cay nóng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động tiêu hóa của dạ dày, từ đó gây đau thượng vị

– Ăn quá nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ, cay nóng khiến dạ dày phải hoạt động nhiều hơn để tiêu hóa thức ăn, từ đó làm tăng áp lực cho cơ quan này. Về lâu dài sẽ gây ra chứng đau thượng vị.

– Ăn xong đi nằm ngay hoặc vận động sau khi ăn. Đây là những thói quen không tốt làm ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa của dạ dày.

Chính vì vậy, để ngăn ngừa tình trạng đau thượng vị, bạn cần thiết lập thói quen ăn uống vừa phải, không ăn quá no khiến dạ dày chịu áp lực lớn và cũng không quá đói để giúp làm giảm gia tăng acid dịch vị trong dạ dày.

5.1.2. Stress kéo dài

Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta gặp quá nhiều áp lực, căng thẳng, stress. Về lâu về dài sẽ tác động xấu đến cơ quan này, khiến dạ dày làm việc quá sức, gây nên tổn thương và đau vùng thượng vị. 

5.1.3. Sử dụng chất kích thích kéo dài

Thói quen sử dụng chất kích thích như bia, rượu, cà phê, thuốc lá… sẽ khiến niêm mạc dạ dày dễ bị tổn thương và hậu quả chính là cơn đau thượng vị âm ỉ và ngày càng trở nên dữ dội hơn.

5.1.4. Mang thai

Cơn đau vùng thượng vị trong thai kỳ là hiện tượng nhiều mẹ bầu gặp phải vì nó có liên quan đến tình trạng trào ngược axit dạ dày hoặc áp lực của tử cung khi thai nhi ngày càng phát triển. Ngoài ra, nồng độ hormone thai kỳ thay đổi cũng có thể gây ra tình trạng đau thượng vị vào ban đêm.

5.2. Nguyên nhân đau thượng vị do bệnh lý

Đau vùng thượng vị là triệu chứng phổ biến của một số bệnh như: đau dạ dày, trào ngược dạ dày, rối loạn tiêu hóa…. Ngoài ra, đau thượng vị cũng có thể liên quan đến các cơ quan khác như gan, tụy, mật hoặc bệnh lý của cơ quan khác ngoài hệ tiêu hoá. Những nguyên nhân đau thượng vị có thể gặp bao gồm:

5.2.1.Trào ngược dạ dày (GERD)

Bệnh xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới bị suy giảm chức năng khiến dịch axit ở trong dạ dày thường xuyên trào ngược lên ống thực quản, gây kích ứng niêm mạc thực quản.

Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược là tình trạng dịch vị, men tiêu hóa, thức ăn… tại dạ dày bị đẩy lên phía trên do rối loạn tại thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thường gây cảm giác đau tức ở thượng vị. Cơn đau có xu hướng lan ra cánh tay và sau lưng hoặc lan đến ngực nên nhiều người nhầm lẫn với bệnh lý về tim và phổi. Thực tế, do axit dạ dày trào ngược lên làm kích thích các đầu mút sợi thần kinh ở bề mặt niêm mạc thực quản, từ đó khiến cơn đau lan ra các vị trí kể trên.

Xem thêm: Khám trào ngược dạ dày ở đâu tốt nhất Vĩnh Phúc?

Xem thêm: Đi khám trào ngược dạ dày có phải nội soi không?

Bệnh có thể kèm theo các triệu chứng khác như: khó tiêu, đắng miệng, ho lâu ngày, cảm giác khó chịu tại vùng cổ họng hoặc vùng ngực sau xương ức.

5.2.2. Viêm dạ dày mạn tính

Viêm dạ dày mạn tính là một trong những bệnh lý có triệu chứng đau vùng thượng vị. Tình trạng viêm dạ dày mãn tính xảy ra chủ yếu do lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm; căng thẳng, stress kéo dài; chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh,… Ngoài ra, vi khuẩn HP cũng là nguyên nhân làm cho niêm mạc dạ dày mất khả năng chống acid, từ đó gây ra đau thượng vị.

Đau thượng vị do viêm dạ dày mạn tính thường diễn ra vào ban đêm hoặc khi bạn bị đói. Cơn đau có tính chất âm ỉ, kéo dài thành từng cơn… kèm theo các triệu chứng ợ hơi, buồn nôn, ngủ kém, đại tiện phân đen, nôn ra máu,…

Xem thêm: Vi khuẩn HP là gì? Con đường lây nhiễm, cách nhận biết nhiễm HP và phương pháp điều trị

Xem thêm:  [GIẢI ĐÁP] Vi khuẩn HP có lây không? HP lây qua đường nào?

5.2.3. Loét dạ dày

Các vết loét dạ dày nhỏ thường có thể tự lành lại nhưng với vết loét lớn rất dễ gây ra các biến chứng nghiêm trọng như: thủng dạ dày, ung thư dạ dày,… Cơn đau thượng vị do loét dạ dày cũng thường kéo đến vào ban đêm hoặc khi đói, kèm theo triệu chứng nóng rát, ợ chua và ợ hơi, buồn nôn, nôn máu, đại tiện phân đen…

5.2.4. Thủng dạ dày

Viêm loét dạ dày trong thời gian dài nếu không được điều trị dễ dẫn đến thủng dạ dày, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Người bị thủng dạ dày thường có cơn đau ở vùng thượng vị xảy ra liên tục, đột ngột, đau có xu hướng tăng và làm căng cơ bụng khi nằm hoặc đứng.

5.2.5. Bị rối loạn vận động mật

Chứng rối loạn vận động túi mật gây ra tình trạng đau thượng vị khiến người bệnh gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống. Nguyên nhân là do mất cân bằng Cholecysto Tin và anti lecy. Dấu hiệu đau vùng thượng vị do rối loạn vận động mật là người bệnh cảm thấy khó tiêu, đầy hơi, vùng hạ sườn phải đau dữ dội,…

5.2.6. Giun chui ống mật

Do giun chui từ ruột non lên hành tá tràng vào ống mật chủ và túi mật nên hoạt động của ống mật bị ảnh hưởng. Người bị giun chui ống mật thường đau thượng vị vật vã, quằn quại, vã mồ hôi, buồn nôn và nôn,…

5.2.7. Viêm tụy cấp

Ở cơ thể bình thường, tuyến tụy sẽ giải phóng các enzyme vào ruột non để tiêu hóa thức ăn. Các men này sau khi được tiết ra sẽ di chuyển đến tá tràng để kích hoạt chức năng. Tuy nhiên, vì một số lý do nào đó mà những tế bào nang tuyến trở nên nhạy cảm khiến các enzyme hoạt động sớm ngay trong lòng ống tụy. Lúc này, men tụy sẽ phá hủy các mô dẫn đến tình trạng viêm tụy cấp. 

Viêm tụy cấp gây đau thượng vị

Viêm tụy cấp là một trong những nguyên nhân gây đau thượng vị

Các triệu chứng của viêm tụy cấp bao gồm đau thượng vị, đau lan ra sau lưng, buồn nôn, nôn, đầy chướng bụng, sốt, mạch nhanh…

5.2.8. Sỏi mật

Túi mật là có chức năng lưu trữ mật, sau đó giải phóng dịch mật vào ruột giúp tiêu hoá thức ăn. Khi các thành phần trong túi mật mất cân bằng sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật. Nếu sỏi bị mắc kẹt trong ống cổ túi mật có thể gây đau vùng thượng vị dữ dội. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp triệu chứng vàng mắt, vàng da, sốt.

5.2.9. Viêm thực quản

Là tình trạng niêm mạc thực quản bị viêm, do một trong các nguyên nhân như: trào ngược dạ dày, dị ứng, nhiễm trùng, kích ứng mãn tính do thuốc. Nếu bệnh không điều trị, có thể dẫn đến sẹo trên niêm mạc thực quản. 

Bên cạnh đau thượng vị, người bệnh còn thường xuyên bị nóng rát ở ngực hoặc cổ, ợ chua, ho, khó nuốt hoặc đau khi nuốt.

5.2.10. Tiền sản giật

Đau vùng thượng vị mức độ nhẹ là triệu chứng phổ biến của mẹ bầu do áp lực bào thai đang đè nặng lên vùng bụng. Ngoài đau thượng vị, mẹ bầu còn có triệu chứng ợ nóng thường xuyên. 

Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị đau vùng thượng vị dữ dội có thể là triệu chứng nghiêm trọng của tình trạng tiền sản giật. Đây là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi nên cần được theo dõi sát sao.

5.2.11. Ung thư tuyến tụy

Nếu đau thượng vị kèm theo các triệu chứng sụt cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân, đường huyết tăng cao, thì bạn nên thăm khám sức khỏe càng sớm càng tốt. Vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm, trong đó có ung thư tuyến tụy.

5.2.12. Các bệnh lý khác của hệ tiêu hóa

Các bệnh lý khác như ngộ độc thức ăn, nhiễm trùng, nhiễm độc tiêu hóa… cũng có thể là nguyên gây gây đau thượng vị. Bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng đi kèm như nôn, buồn nôn, sốt, chướng bụng, tiêu chảy, đi phân lỏng lẫn máu hoặc chất nhầy.

Ngộ độc thức ăn, nhiễm trùng cũng là nguyên nhân gây đau bụng vùng thượng vị

Ngộ độc thức ăn, nhiễm trùng, nhiễm độc tiêu hóa… cũng có thể là nguyên gây gây đau thượng vị

5.2.13. Các bệnh lý ngoài đường tiêu hóa

Đau vùng thượng vị có thể liên quan đến các cơ quan khác như tim, phổi, màng phổi, cơ hoành… Bệnh nhân suy tim, bị nhồi máu cơ tim có thể gặp triệu chứng đau bụng trên rốn, khó thở, hoặc bị ngất.

Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm phổi thùy dưới, áp-xe phổi, áp-xe trung thất, cơ hoành… có thể gây tổn thương các bộ phận lân cận đường dẫn truyền thần kinh, từ đó kích thích đau vùng thượng vị. Với trường hợp này, người bệnh có thể nhầm lẫn là bị các bệnh tiêu hóa. 

Đau thượng vị là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý khác nhau. Chính vì vậy, để biết chính xác nguyên nhân thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

6. Đau thượng vị khi nào cần đi khám?

Đau thượng vị do thói quen ăn uống sinh hoạt có thể được cải thiện khi bạn chủ động xây dựng một lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này là do bệnh lý thì bắt buộc người bệnh phải thăm khám để được điều trị theo phác đồ. Bệnh nhân cần thăm khám sớm khi có một trong những dấu hiệu sau:

– Đau thượng vị kéo dài, không thuyên giảm khi đã thay đổi lối sống và chế độ ăn khoa học hơn.

– Cơn đau xảy ra với tần suất nhiều lần trong ngày, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

– Đau thượng vị kèm theo tình trạng ợ hơi, ợ chua, ăn uống kém, sụt cân…

– Đau thượng vị kèm một trong những triệu chứng cấp tính như: nôn ra máu, đại tiện phân đen, sốt cao…

– Cơn căng tức vùng thượng vị trở nên nặng hơn, hoặc lan đến phần dưới bên phải của bụng.

– Xuất hiện đau ngực, hoặc cơn đau lan ra vùng lưng, cổ, vai và cánh tay

– Nôn ói liên tục 12 giờ

– Người mất nước dù không đi tiểu; mắt trũng, da khô

– Khó thở, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu

– Đau bụng, kèm nôn, sốt trên 38 độ C

– Bụng chướng.

7. Điều trị bệnh đau thượng vị như thế nào?

7.1. Thay đổi chế độ ăn uống khoa học

– Duy trì chế độ ăn uống khoa học với đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, bổ sung đủ nước mỗi ngày, tăng cường hoa quả tươi, rau xanh trong mỗi bữa ăn để hạn chế tình trạng tăng tiết acid quá mức và trung hòa dịch vị dạ dày.

– Chia nhỏ các bữa ăn, từ 5 – 6 bữa /ngày, không nên ăn nhiều trong 1 bữa giúp giảm cảm giác căng của dạ dày và giảm tiết acid của dạ dày.

Chia nhỏ bữa ăn mỗi ngày

Chia nhỏ bữa ăn mỗi ngày sẽ giúp dạ dày hoạt động hiệu quả hơn, từ đó giảm cũng như ngừa chứng đau thượng vị

– Không nên ăn quá no cũng như để bụng quá đói để trung hòa axit giúp giảm cơn đau.

– Tránh thức ăn kích thích và khó tiêu như: đồ ăn nhiều gia vị cay, nóng, cứng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, chua, cay… Hạn chế ăn đồ ăn đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn…

– Tránh uống rượu bia, đồ uống có nhiều ga. 

– Ưu tiên nhóm thực phẩm tinh bột như: Cơm, bánh mì … bởi chúng có tác dụng giảm tiết dịch vị, dễ thẩm thấu qua niêm mạc dạ dày, giúp giảm tình trạng đau vùng thượng vị.

– Bổ sung sữa, trứng để cung cấp nguồn chất đạm giúp trung hòa axit. Lượng chất béo trong nhóm thực phẩm này có tác dụng ức chế tiết dịch dạ dày…

7.2. Chế độ sinh hoạt khoa học

– Cân bằng chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, không thức quá khuya, ngủ đủ giấc ngủ đúng giờ mỗi ngày.

–  Giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ, tránh căng thẳng, stress.

– Duy trì thói quen luyện tập thể dục mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe, giúp đảm bảo các hoạt động của hệ tiêu hóa diễn ra thuận lợi.

– Khi ngủ nên nằm đầu cao, để tránh tình trạng dịch acid trào ngược lên thực quản.

– Giảm trọng lượng cơ thể để tránh gây áp lực lên các cơ quan tiêu hóa

– Tránh lao động quá sức.

Bên cạnh xây dựng lối sống lành mạnh, người bệnh cần thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để giúp tầm soát, phát hiện và điều trị bệnh lý kịp thời. Nếu cơ thể có những triệu chứng bất thường cần thăm khám ngay.

7.3. Điều trị đau thượng vị bằng thuốc Tây y

Tùy thuộc vào triệu chứng, nguyên nhân gây đau thượng vị mà bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh sử dụng các loại thuốc trị đau thượng vị phù hợp. Hiện nay, thuốc Tây y điều trị đau thượng vị bao gồm một số loại thuốc sau:

– Thuốc kháng acid dạ dày: Gồm một số thuốc như Mucosta, Rebamipid, Sucralfat… có tác dụng trung hòa acid dạ dày, tăng độ pH, cải thiện các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra.

Tùy vào triệu chứng đau thượng vị mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc điều trị phù hợp

Tùy vào triệu chứng đau thượng vị mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc điều trị phù hợp

Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Gồm Sucralfate, Misoprostol, Rebamipide… giúp kích thích bài tiết dịch nhầy, thúc đẩy tuần hoàn máu và sự sản sinh của các tế bào biểu mô của niêm mạc dạ dày.

Thuốc kháng histamine H2: Gồm Cimetidin, Nizatidon, Famotidin, Ranitidin… có tác dụng điều trị đau thượng vị,  giúp giảm bài tiết axit trong dạ dày vào ban đêm và sau khi ăn.

Một số trường hợp nhiễm trùng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh như Ciprofloxacin, Ofloxacin hoặc Imidazol; thuốc làm tan sỏi mật như axit ursodeoxycholic, và các thuốc giảm đau và thuốc chống nôn để giảm bớt sự khó chịu và đau đớn cho bệnh nhân.

Trên đây là những thông tin cơ bản về chứng đau thượng vị gồm nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị. Hy vọng sẽ hữu ích dành cho bạn nếu gặp phải tình trạng này. Quan trọng hơn hết để phòng ngừa tình trạng này là cần duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt thật lành mạnh, khi có dấu hiệu đau thượng vị thì cần thăm khám sớm để được điều trị kịp thời.

Để được giải đáp các thắc mắc khác liên quan đến đau thượng vị và đặt lịch khám cùng chuyên gia tiêu hóa Trung ương đến từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 103 tại CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline: 0969.566.115.

CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc

122 Nguyễn Tất Thành, Phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

Website: https://benhvienvinhphuc.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/ctbenhvienquoctevinhphuc/

 

Ảnh poup
Đăng ký ngay

    Chúng tôi cam kết không chia sẻ thông tin cá nhân của bạn cho bên thứ 3

    Giờ làm việc

    1900 888 656
    Đặt lịch khám