Ngày hội sức khỏe - Chăm sóc & tư vấn miễn phí

Bị chướng bụng đầy hơi là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Hoa Nguyễn Thị
115

Chướng bụng đầy hơi là tình trạng thường gặp do hoạt động tiêu hóa bị rối loạn. Triệu chứng tiến triển từ trung bình đến nặng, đôi khi là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nguy hiểm. Do đó, trong mọi trường hợp, việc theo dõi, thăm khám để điều trị và kiểm soát kịp thời là vô cùng cần thiết.

1. Bị chướng bụng đầy hơi là gì?

Chướng bụng đầy hơi là tình trạng lượng hơi tăng lên trong đường tiêu hóa do rối loạn chuyển hóa các chất tinh bột hoặc rối loạn lên men vi sinh vật, chủ yếu là vi khuẩn đường ruột. Hiện tượng này gây ra tình trạng bụng căng lên và phình ra, khiến người mắc bị tức bụng, khó chịu.

Thông thường, sau mỗi bữa ăn khoảng 30 phút, chúng ta sẽ cảm giác thoải mái vì thức ăn được tiêu hóa bớt nhưng ở những người bị chướng bụng đầy hơi thì hoàn toàn ngược lại, họ thường cảm thấy khó chịu ở bụng.

Bị chướng bụng đầy hơi là gì?

Chướng bụng đầy hơi là tình trạng lượng hơi tăng lên trong đường tiêu hóa do rối loạn chuyển hóa các chất tinh bột hoặc rối loạn lên men vi sinh vật

Thực chất, chướng bụng đầy hơi là triệu chứng rối loạn tiêu hóa, không phải bệnh lý. Tình trạng này có thể cải thiện nếu người bệnh thực hiện chế độ ăn uống khoa học. Tuy nhiên, tình trạng này lặp đi lặp lại sẽ trở thành mối lo ngại cho sức khỏe. Chính vì vậy, nếu người bệnh bị chướng bụng đầy hơi kéo dài, đã thay đổi chế độ ăn uống khoa học hơn mà các triệu chứng vẫn không được cải thiện thì nên đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân chính xác.

2. Nguyên nhân gây chướng bụng đầy hơi

Chướng bụng đầy hơi xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như: do mắc bệnh lý tiêu hóa, chế độ ăn uống sinh hoạt thiếu khoa học, tác dụng phụ của thuốc kháng sinh, stress thường xuyên… Chính vì vậy, người bệnh không nên chủ quan khi có triệu chứng này mà cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân để có phương pháp xử trí phù hợp.

2.1. Bị chướng bụng đầy hơi do mắc bệnh lý tiêu hóa

Một trong những nguyên nhân cần lưu tâm nhất là chướng bụng đầy hơi do mắc một số bệnh lý về đường tiêu hóa làm ảnh hưởng tới khả năng co bóp của ruột, suy giảm chức năng hệ tiêu hóa, hấp thụ thức ăn. Cụ thế như sau:

2.1.1.Chướng bụng đầy hơi do viêm đại tràng

Đây là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc đại tràng, phần cuối của đường ruột. Nguyên nhân gây viêm đại tràng có thể do nhiễm khuẩn, tự miễn, di truyền, hoặc do sử dụng thuốc kháng sinh quá lâu. Ngoài chướng bụng đầy hơi, người bệnh còn gặp phải một số triệu chứng như: đau bụng, tiêu chảy, táo bón, chảy máu đại tràng, sốt, sút cân…

2.1.2. Chướng bụng đầy hơi do hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (đại tràng co thắt) là một rối loạn chức năng ở đại tràng, gây ra các triệu chứng như: đau bụng quặn từng cơn, táo bón, tiêu chảy, chướng bụng, ăn không tiêu. Nguyên nhân của hội chứng này chưa được xác định rõ ràng, nhưng có thể liên quan đến nhiều yếu tố như: căng thẳng, dị ứng thực phẩm, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột…

Bị chướng bụng đầy hơi là gì?

Hội chứng ruột kích thích là một nguyên nhân gây ra chướng bụng đầy hơi

2.1.3. Chướng bụng đầy hơi do không dung nạp thực phẩm

Là một tình trạng cơ thể không thể tiêu hóa hoặc hấp thu một số loại thực phẩm, như lactose, gluten hay fructose. Điều này gây ra sự phân hủy của thực phẩm trong ruột, tạo ra khí và gây chướng bụng đầy hơi. Có thể kể đến như:

– Lactose: Có trong sữa và các sản phẩm từ sữa.

– Fructose: Đường trong trái cây.

– Gluten: Một dạng protein có trong ngũ cốc.

2.1.4. Trào ngược dạ dày – thực quản gây chướng bụng đầy hơi

Là tình trạng axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây kích ứng và tổn thương niêm mạc thực quản. Ngoài các triệu chứng như ợ nóng, ợ chua, đau thượng vị, khó nuốt… trào ngược dạ dày cũng có thể làm cho khí trong dạ dày thoát ra bên ngoài cơ thể qua đường miệng, gây tình trạng chướng bụng đầy hơi.

2.1.5.Bệnh Celiac gây đầy hơi chướng bụng

Đây là một bệnh lý tự miễn dịch khiến cơ thể phản ứng với gluten – một loại protein có trong lúa mì và các loại ngũ cốc khác. Bệnh Celiac làm tổn thương niêm mạc ruột non, gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, suy dinh dưỡng, chương bụng đầy hơi.

2.1.6. Liệt dạ dày

Liệt dạ dày là chứng rối loạn ảnh hưởng đến việc làm rỗng dạ dày, khiến các dây thần kinh bên trong cơ quan này hoạt động thiếu chính xác, việc tiêu hóa thức ăn bị chậm hơn. Triệu chứng thường gặp của liệt dạ dày bao gồm: Chướng bụng đầy hơi, táo bón, ăn nhanh no, ợ nóng, buồn nôn và nôn ói…

2.1.7.Táo bón

Táo bón có thể do chế độ ăn uống, tuổi tác và chế độ sinh hoạt, thói quen đi vệ sinh chưa phù hợp. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, cần được thăm khám để điều trị sớm.

Bị chướng bụng đầy hơi là gì?

Chướng bụng đầy hơi có thể do táo bón mãn tính gây ra

Khi phân mắc kẹt trong đại tràng sẽ khiến thức ăn đã được tiêu hóa không thể tống ra ngoài. Lúc này, đại tràng và các đoạn ruột khác phải giãn ra để chứa khối lượng chất thải lớn hơn, dẫn đến chướng bụng đầy hơi kéo dài.

2.1.8.Tắc ruột

Dạ dày và đại tràng đều có thể bị tắc nghẽn do khối u, mô sẹo, viêm loét lớn… Trong đó, các bệnh viêm nhiễm như: Crohn, viêm loét đại tràng… có thể gây tổn thương nghiêm trọng niêm mạc đường tiêu hóa, khiến quá trình tiêu hóa gặp trục trặc. Triệu chứng thường gặp nhất là chướng bụng đầy hơi. Ngoài ra, người bệnh có thể bị đau bụng, bí trung đại tiện và nôn ói nhiều.

2.2. Chướng bụng đầy hơi do chế độ ăn uống sinh hoạt thiếu khoa học

Tình trạng chướng bụng đầy hơi khó tiêu có mối liên hệ chặt chẽ với chế độ ăn uống. Một số thói quen gây ra hiện tượng này có thể kể đến như:

– Ăn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thường xuyên ăn thức ăn tái sống tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại xâm nhập, đặc biệt là vi khuẩn HP, lỵ amip.

– Thường xuyên ăn đồ chiên xào nhiều dầu mỡ.

– Thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ, vừa ăn vừa nói chuyện sẽ khiến bạn vô tình nuốt nhiều không khí và dạ dày, từ đó gây tình trạng khó tiêu, đầy hơi.

– Ăn quá no, ăn xong đã đi nằm ngay khiến bạn cảm thấy ì ạch, khó chịu ở bụng.

– Thường xuyên nhai kẹo cao su cũng là nguyên nhân gây ra chướng bụng đầy hơi.

– Thói quen ngồi nhiều một chỗ, lười vận động cũng khiến cho hệ tiêu hóa bị trì trệ, ảnh hưởng đến việc chuyển hóa thức ăn, từ đó gây ra tình trạng khó tiêu, đầy bụng.

2.3 Tác dụng phụ của thuốc

Tác dụng phụ của một số loại thuốc như: Kháng sinh, giảm đau kháng viêm, tiểu đường, huyết áp, thuốc tránh thai…, có thể làm lợi khuẩn đường ruột suy giảm, hại khuẩn phát triển mạnh, từ đó sinh ra nhiều khí trong ruột, dẫn tới tình trạng chướng bụng đầy hơi, khó tiêu.

2.4. Ảnh hưởng của tâm lý

Áp lực công việc và cuộc sống khiến nhiều người bị căng thẳng, stress, lo âu kéo dài. Điều này tác động không nhỏ đến hệ thần kinh trung ương, nơi kiểm soát quá trình tiêu hóa. Từ đó, ảnh hưởng tới nhu động ruột, dẫn tới tình trạng chướng bụng đầy hơi, ợ hơi nhiều.

3. Các triệu chứng nhận biết chướng bụng đầy hơi

Một số triệu chứng dễ nhận thấy khi bị chướng bụng đầy hơi bao gồm:

– Cảm giác căng tức, đau, khó chịu ở vùng bụng.

– Bụng sưng to hơn bình thường.

– Bụng phát ra tiếng kêu bất thường.

– Xì hơi nhiều hơn bình thường.

4. Cách điều trị chướng bụng đầy hơi

4.1. Nguyên tắc điều trị triệu chứng đầy hơi, chướng bụng

Khi bị chướng bụng đầy hơi, người bệnh cần đi khám ở cơ sở y tế uy tín, tốt nhất là khám chuyên khoa tiêu hóa nhằm xác định nguyên nhân, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.

Người bệnh không nên nghe theo những mách bảo không có chuyên môn về y khoa hoặc dùng thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ bởi sẽ gây ra những hệ lụy không tốt cho sức khỏe, nghiêm trọng hơn có thể khiến bệnh ngày một trầm trọng thêm.

4.2. Một số cách chữa chướng bụng đầy hơi

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây chướng bụng đầy hơi mà sẽ có biện pháp điều trị khác nhau. Trường hợp do chế độ ăn uống gây ra, triệu chứng đầy bụng, khó tiêu sẽ biến mất khi thay đổi chế độ ăn uống khoa học hơn. Đối với trường hợp không dung nạp thực phẩm, bạn cần loại bỏ những loại bỏ đồ ăn này ra khỏi thực đơn hằng ngày.

Còn nếu chướng bụng đầy hơi liên quan đến việc sử dụng thuốc hoặc nguyên nhân từ bệnh lý, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

4.2.1. Chữa chướng bụng đầy hơi bằng thay đổi lối sống và chế độ ăn uống

Chứng đầy hơi chướng bụng có thể được điều trị hiệu quả tại nhà bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống khoa học hơn, cụ thể:

– Bổ sung đủ chất xơ vào thực đơn hàng ngày: Chất xơ sẽ giúp làm sạch hệ thống tiêu hóa, đặc biệt là chất thải lên men bị mắc kẹt trong đại tràng. Ngoài ra, chất xơ còn giúp bổ sung nước cho cơ thể, đem đến cảm giác no nhanh, từ đó kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể mỗi ngày. Đồng thời, đây cũng là một Prebiotic giúp nuôi dưỡng và thúc đẩy lợi khuẩn đường ruột.

– Uống đủ nước: Việc bổ sung đủ nước mỗi ngày sẽ kích thích nhu động ruột, duy trì thức ăn ở dạng mềm vừa phải, không quá cứng hay bị nén chặt, từ đó ngăn ngừa chứng khó tiêu, chướng bụng một cách hiệu quả.

Bị chướng bụng đầy hơi là gì?

Bổ sung đủ nước mỗi ngày sẽ kích thích nhu động ruột, ngăn ngừa chứng khó tiêu, chướng bụng hiệu quả

– Tập thể dục đều đặn: Đây là thói quen có tác dụng tăng cường sức khỏe tổng thể cũng như hệ tiêu hóa, ngăn hiện tượng giữ nước và hơi trong ruột, giúp chống chướng bụng đầy hơi.

– Tránh sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ, nhiều muối và chất béo vì dễ gây đầy hơi, khó tiêu.

– Duy trì thói quen ăn uống khoa học như: Ăn chậm nhai kỹ, ăn đủ no, không ăn quá nhiều; nên ăn đúng bữa; ăn xong nên vận động nhẹ nhàng, không nên nằm ngay…

– Từ bỏ thói quen uống rượu bia, nước ngọt, hút thuốc lá…

– Hạn chế sử dụng rau họ cải, bởi loại rau này dễ gây đầy bụng, chướng hơi, sôi bụng; nên bổ sung sữa chua vào thực đơn mỗi ngày

Xem thêm:  Ăn gì để hết chướng bụng đầy hơi? Top 13 thực phẩm

Xem thêm:  [TỔNG HỢP] 19 Cách trị đầy hơi chướng bụng nhanh chóng mà hiệu quả

4.2.2. Thuốc tây trị chướng bụng đầy hơi

Thuốc chống axit

Đây là loại thuốc được sử dụng khi xuất hiện chứng chướng bụng đầy hơi do thừa axit dịch vị trong dạ dày. Thuốc có tác dụng trung hòa axit dịch vị trong dạ dày, chống đầy hơi hiệu quả.

Các loại thuốc thường được chỉ định như: Maalox plus, pepsane, Phosphalugel…

Nhóm thuốc điều hòa sự co bóp dạ dày

Khi dạ dày co bóp kém sẽ cản trở quá trình vận chuyển thức ăn từ dạ dày xuống ruột non, gây chướng bụng đầy hơi. Lúc này, nhóm thuốc điều hòa sự co bóp dạ dày chứa dược chất tăng trương lực dạ dày, sẽ giúp đẩy thức ăn xuống ruột già, hỗ trợ hệ tiêu hóa.

Men tiêu hóa

Men tiêu hóa thường được dùng trong trường hợp chướng bụng đầy hơi kéo dài do rối loạn tiêu hóa. Để phát huy tác dụng, người bệnh nên sử dụng men tiêu hóa trước khi ăn hoặc trong lúc ăn để phát huy tác dụng hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Neopeptin, Smecta… là loại men tiêu hóa được sử dụng phổ biến mà người bệnh có thể tham khảo.

Nhóm ức chế proton

Nhóm thuốc ức chế proton giúp giảm triệu chứng trào ngược dạ dày, ợ hơi, ợ chua đồng thời điều hòa sản sinh dịch vị trong dạ dày. Một số loại thuốc ức chế proton có thể kể đến như Omeprazol ở dạng viên nén hoặc dạng nén bao phim.

*Lưu ý: Những loại thuốc trên có tác dụng giảm nhanh triệu chứng chướng bụng đầy hơi nhưng nếu lạm dụng có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

4.2.3. Mẹo chữa chướng bụng đầy hơi

– Người bệnh có thể sử dụng các bài thuốc dân gian để đẩy lùi tình trạng chướng bụng đầy hơi như: tỏi, gừng, bạc hà, quế..

– Chườm ấm: Giúp kích thích tuần hoàn máu và giảm đau. Bạn có thể dùng một chai nước nóng hoặc mua túi chườm nóng chườm lên bụng.

Bị chướng bụng đầy hơi là gì?

Massage bụng giúp khí và chất thải di chuyển nhanh hơn trong ruột, giảm chướng bụng

– Massage bụng: Giúp khí và chất thải di chuyển nhanh hơn trong ruột. Bạn có thể dùng tay massage nhẹ nhàng vùng bụng theo chiều kim đồng hồ. Nên massage khoảng 15 phút mỗi ngày.

– Tập yoga: Giúp giảm căng thẳng và cải thiện nhu động ruột. Các bài tập như: xoay eo, gập người về phía trước, kéo chân về phía ngực… sẽ giúp bạn giảm nhanh chứng chướng bụng đầy hơi.

5. Chướng bụng đầy hơi khi nào nên đi khám?

Người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám kịp thời, tránh tình trạng tiến triển nguy hiểm nếu thuộc các trường hợp sau:

– Bị chướng bụng đầy hơi đã kéo dài hơn 3 tuần.

– Triệu chứng chướng bụng đầy hơi xuất hiện thường xuyên (hơn 12 lần/tháng).

– Đã thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt nhưng tình trạng đầy hơi, chướng bụng vẫn không thuyên giảm.

– Sờ thấy khối u vùng bụng.

– Chướng bụng đầy hơi kèm theo sốt, tiêu chảy, táo bón, sụt cân nghiêm trọng.

6. Điều trị đầy hơi chướng bụng ở đâu uy tín?

Khi bị chướng bụng đầy hơi thường xuyên, để kiểm soát sớm và tránh tiến triển nguy hiểm, người bệnh nên đến các cơ sở uy tín để được chẩn đoán kịp thời.

Hiện tại, Bệnh viện quốc tế Vĩnh Phúc VPI là địa chỉ lựa chọn hàng đầu của nhiều khách hàng tại địa phương trong thăm khám và điều trị các bệnh lý tiêu hóa. Bệnh viện quy tụ đội ngũ bác sĩ tiêu hóa hàng đầu Trung ương từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Quân Y 103… cùng sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế hiện đại, nhập khẩu từ nước ngoài, đảm bảo chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả.

Trên đây là tổng hợp các thông tin liên quan đến chướng bụng đầy hơi, nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả. Hy vọng bạn đã có thêm nhiều cập nhật hữu ích để chủ động theo dõi, phát hiện bệnh từ sớm, nhằm hạn chế tối đa biến chứng nguy hiểm.

Để đặt lịch khám cùng chuyên gia tiêu hóa hàng đầu tại Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline: 0969.566.115.

CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc

122 Nguyễn Tất Thành, Phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

Website: https://benhvienvinhphuc.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/ctbenhvienquoctevinhphuc/

 

Ảnh poup
Đăng ký ngay

    Chúng tôi cam kết không chia sẻ thông tin cá nhân của bạn cho bên thứ 3

    Giờ làm việc

    1900 888 656
    Đặt lịch khám