Ngày hội sức khỏe - Chăm sóc & tư vấn miễn phí

Có nên nội soi đại tràng? Khi nào thì nên đi nội soi đại tràng?

Hoa Nguyễn Thị
198

Có nên nội soi đại tràng không, nội soi đại tràng có khó chịu không, có hại cho cơ thể không là những thắc mắc của rất nhiều khách hàng khi đang gặp vấn đề về đại tràng. Để giải đáp được những băn khoăn này, mời độc giả tham khảo bài viết dưới đây từ CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc.

1. Có nên nội soi đại tràng không?

Với băn khoăn có nên nội soi đại tràng không thì câu trả lời là CÓ. Đặc biệt là khi người bệnh có các dấu hiệu bất thường ở hệ tiêu hóa và thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng.

Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, ung thư đại trực tràng thường gặp ở những người trên 50 tuổi, tuy nhiên tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng trong nhiều năm gần đây ở nước ta có xu hướng tăng nhanh ở giới trẻ. Tại Bệnh viện K, ung thư đại tràng đã được chẩn đoán ở cả những bệnh nhân 20 tuổi.

Ung thư đại trực tràng phổ biến hàng thứ 5 tại Việt Nam sau ung thư gan, phổi, dạ dày, vú. Theo Globocan, năm 2020 Việt Nam ghi nhận gần 16.000 ca mắc mới và hơn 8.200 ca tử vong vì căn bệnh này (*). Chính vì vậy nội soi đại tràng là việc làm vô cùng cần thiết giúp phát hiện sớm và có phương pháp điều trị tối ưu, ngăn chặn ung thư phát triển, giúp kéo dài thời gian sống.

Có nên nội soi đại tràng?

Nội soi đại tràng không đau giúp phát hiện chính xác dấu hiệu ung thư đại tràng từ rất sớm

Với phương pháp nội soi đại tràng, bác sĩ có thể quan sát toàn bộ hình ảnh niêm mạc đại tràng, phát hiện được tất cả các dấu hiệu bất thường, tổn thương niêm mạc, các vùng bị viêm, polyp đại tràng… Đặc biệt, trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể đồng thời thực hiện sinh thiết tế bào từ vùng tổn thương đem đi xét nghiệm để chẩn đoán bệnh. Đây được coi  là “tiêu chuẩn vàng” giúp phát hiện sớm ung thư đại tràng.

Ngoài ra, khi nội soi bác sĩ cũng có thể can thiệp điều trị như cắt bỏ polyp nếu có.

Sở hữu nhiều ưu điểm như đã trình bày ở trên, bạn không nên chần chừ có nên nội soi đại tràng không mà hãy nội soi sớm ngay khi cơ thể có những dấu hiệu bất ổn về tiêu hóa. Vậy khi nào nên nội soi đại tràng? Phần tiếp theo của bài viết sẽ trình bày về nội dung này. Mời bạn đọc cùng theo dõi tiếp.

2. Khi nào nên đi nội soi đại tràng?

Bệnh nhân nên nội soi đại tràng sớm khi xuất hiện các triệu chứng sau hoặc thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao:

– Xuất hiện các triệu chứng bất thường về tiêu hóa như: Thường xuyên đau bụng vùng dưới rốn; thay đổi thói quen đại tiện, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài; đi ngoài ra máu; phân không thành khuôn, nhỏ dẹt hơn bình thường…

– Dấu hiệu toàn thân: Thiếu máu, mệt mỏi, giảm cân đột ngột không rõ nguyên nhân…

– Sờ thấy khối u ở vùng bụng dưới

– Người bệnh chụp X-quang, CT hoặc MRI thấy xuất hiện các bất thường không rõ cần nội soi đại tràng để đánh giá chính xác tình trạng bệnh.

– Người trên 50 tuổi: Đây là nhóm tuổi có nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao, nên đi nội soi tầm soát ung thư.

– Người có tiền sử mắc polyp đại tràng, ung thư đại tràng, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung đã chữa khỏi… thực hiện nội soi theo chỉ định của bác sĩ.

– Người có tiền sử gia đình có người thân bị đa polyp đại tràng, ung thư đại tràng nên nội soi đại tràng hàng năm.

Xem thêm: Bao lâu nội soi đại tràng 1 lần? Nội soi đại tràng nhiều có tốt không?

3. Nội soi đại tràng có khó chịu không?

Ngoài câu hỏi có nên nội soi đại tràng không thì rất nhiêu người bệnh lo lắng nội soi đại tràng có khó chịu không hay nội soi đại tràng có đau không.

Thực tế, nội soi đại tràng không quá đau. Với những người nội soi lần đầu sẽ cảm thấy khó chịu, căng tức bụng. Thêm vào đó, ngưỡng chịu đau của mỗi người khác nhau và nội soi đại tràng có khó chịu còn phụ thuộc vào kỹ thuật của bác sĩ, độ đàn hồi của dây soi…

Chiều dài của đại tràng dài khoảng 150 cm (trung bình 120-200cm), rộng nhất ở manh tràng (~7,5cm), hẹp nhất ở chỗ nối đại tràng sigma – trực tràng (~2,5cm) nên trong quá trình nội soi người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu vùng hậu môn và đại tràng.

Ngoài ra, tại đại tràng có một số đoạn gấp khúc nên khi ống soi đi qua người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu. Đặc biệt, nếu đại tràng bị viêm loét nặng, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau đớn do ống nội soi cọ xát vào vị trí tổn thương trong quá trình nội soi.

Nội soi đại tràng gây mê

Nội soi đại tràng gây mê sẽ giúp người bệnh giảm cảm giác khó chịu khi soi

Thêm vào đó, trước khi nội soi, bác sĩ bơm hơi làm phồng đại tràng để thuận tiện cho việc đưa ống soi vào đại tràng quan sát. Điều này gây cảm giác căng chướng, tức bụng, khó chịu, đầy hơi, muốn xì đi ngoài nhưng không được.

Để hạn chế cảm giác khó chịu cho người bệnh, ống nội soi mềm sẽ được bôi trơn trước khi đưa qua đường hậu môn để vào bên trong đại tràng, giúp giảm ma sát trên đường đi. Ngoài ra, bệnh nhân cần làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế, hít thở nhịp nhàng, thả lỏng cơ thể để quá trình soi đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không chịu được sự khó chịu này thì có thể lựa chọn nội soi đại tràng gây mê (nội soi đại tràng không đau) để trải qua cuộc nội soi nhẹ nhàng, êm ái.

4. Nội soi đại tràng có nguy hiểm và gây hại không?

Hiện nay, có 2 hình thức nội soi đại tràng đang được sử dụng phổ biến đó là nội soi đại tràng thường và nội soi đại tràng gây mê. Với nội soi đại tràng gây mê, bệnh nhân sẽ được truyền thuốc gây mê và ngủ trong quá trình nội soi nên sẽ không có cảm giác đau đớn, khó chịu, khi thực hiện thủ thuật này.

Dù lựa chọn hình thức nội soi thường hay nội soi gây mê thì bệnh nhân có thể yên tâm  vì đây là thủ thuật được đánh giá là an toàn, không gây hại cho cơ thể khi thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên, nội soi đại tràng có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào cơ sở thực hiện, tay nghề của bác sĩ cũng như thiết bị máy móc. Do đó, để đảm bảo an toàn cho cuộc nội soi, người bệnh cần tham khảo kỹ lưỡng để lựa chọn được địa chỉ nội soi địa tràng uy tín.

Xem thêm: Nội soi đại tràng gây mê: Ưu điểm, quy trình và lưu ý khi thực hiện?

Nội soi đại tràng rất hiếm xảy ra biến chứng. Trong trường hợp nội soi có can thiệp như: cắt polyp lớn, phẫu thuật nội soi cắt hớt niêm mạc (EMR), phẫu thuật nội soi cắt tách hạ niêm mạc (ESD) có thể xảy ra một vài biến chứng sau (tần suất khoảng 1/1000):

– Tổn thương rách hoặc thủng đại tràng

– Đau bụng, buồn nôn, chóng mặt

– Phản ứng với thuốc an thần, thuốc gây mê

Đau bụng sau nội soi đại tràng

Nếu đau bụng dữ dội sau nội soi đại tràng người bệnh cần thăm khám ngay lập tức để xử trí

Các biến chứng nặng rất hiếm khi xảy ra nhưng có thể gặp ở những cơ sở y tế không uy tín. Vì vậy người bệnh nên lựa chọn thực hiện nội soi tại các bệnh viện, phòng khám lớn đảm bảo chất lượng.

5. Chi phí nội soi đại tràng bao nhiêu tiền?

Hiện nay, người bệnh sẽ được chi trả bảo hiểm y tế khi nội soi tại các cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh với BHYT. Nếu đi khám đúng tuyến, người bệnh được bảo hiểm thanh toán 80% chi phí, trường hợp trái tuyến, được hưởng tối đa 40% chi phí do bảo hiểm chi trả.

Giá nội soi đại tràng sẽ có sự chênh lệch giữa các đơn vị y tế do các yếu tố như: cơ sở vật chất, phương pháp thực hiện (nội soi đại tràng thường hay nội soi đại tràng gây mê), trình độ chuyên môn bác sĩ…

Để biết chính xác chi phí nội soi đại tràng, người bệnh có thể gọi tới hotline của các cơ sở y tế để được tư vấn cụ thể.

Xem thêm: Nội soi đại tràng giá bao nhiêu? Cập nhật bảng giá MỚI NHẤT hiện nay

6. Một số phương pháp kiểm tra đại tràng không cần nội soi

Nội soi đại tràng là thủ thuật chẩn đoán bệnh lý đại tràng được khuyến cáo hàng đầu, tuy nhiên trong một số trường hợp nghi ngờ hoặc bệnh nhân có chống chỉ định với nội soi đại tràng, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp sau:

– Xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng: Được chỉ định khi nghi ngờ bệnh nhân có dấu hiệu bị nhiễm ký sinh trùng. Mẫu phân được thu thập, sau đó tiến hành nuôi cấy để xác định chủng của ký sinh trùng gây nhiễm trùng.

– Siêu âm đại tràng: Siêu âm đại tràng có thể chẩn đoán được polyp đại tràng, tình trạng xoắn ruột, lồng ruột, tắc ruột… nhưng không phát hiện được những tổn thương nhỏ, khối u mới xuất hiện. Hình ảnh siêu âm không rõ ràng ở những đoạn ruột bị che khuất nên kết quả siêu âm phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ.

chụp xquang đại tràng

Hình ảnh đại tràng qua chụp X-quang

– Chụp X-quang khung đại tràng có thuốc cản quang: Hỗ trợ đắc lực chẩn đoán một số bệnh như ung thư, polyp đại tràng lớn. Kỹ thuật này nhìn chung là rẻ hơn, có mức độ xâm lấn ít hơn, ít khó chịu hơn so với nội soi. Để chụp X-quang đại tràng thì người bệnh phải được thụt tháo ruột sạch hoàn toàn trước khi tiêm thuốc cản quang.

– Chụp CT hoặc MRI: Chụp CT (cắt lớp vi tính) và MRI (chụp cộng hưởng từ) có thể phát hiện ung thư và các bất thường đường ruột khác. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thấy vị trí tổn thương mà không thể can thiệp. Bệnh nhân có thể bị nhiễm tia xạ, mặc dù mức độ nằm trong giới hạn cho phép.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc có nên nội soi đại tràng không. Bạn nên đi nội soi ngay khi có các triệu chứng bất thường để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các tổn thương tại đại tràng.

Để được giải đáp các thắc mắc cũng như đặt lịch khám cùng chuyên gia tiêu hóa hàng đầu, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline: 0969.566.115.

CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc

122 Nguyễn Tất Thành, Phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

Website: https://benhvienvinhphuc.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/122nguyentatthanh

Nguồn tham khảo

(*): https://gco.iarc.fr/today/data/factsheets/populations/704-viet-nam-fact-sheets.pdf

Ảnh poup
Đăng ký ngay

    Chúng tôi cam kết không chia sẻ thông tin cá nhân của bạn cho bên thứ 3

    Giờ làm việc

    1900 888 656
    Đặt lịch khám