Ngày hội sức khỏe - Chăm sóc & tư vấn miễn phí

Bị ợ hơi là triệu chứng của bệnh gì? Cách điều trị và phòng ngừa ra sao?

Hoa Nguyễn Thị
142

Triệu chứng ợ hơi xảy ra khi không khí bị ứ đọng bên trong cơ quan tiêu hóa, thường gặp sau khi chúng ta uống nước có gas, nhai kẹo cao su hoặc ăn quá no. Tuy nhiên, nếu ợ hơi kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tiêu hóa tiềm ẩn. Vậy nguyên nhân gây ợ hơi là gì, cách điều trị và phòng ngừa ra sao. Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau để có thêm những thông tin hữu ích.

1. Triệu chứng bị ợ hơi là gì?

Ợ hơi (tên tiếng Anh: Belching) là quá trình sinh lý tự nhiên của cơ thể, giúp giải phóng khí trong dạ dày ra ngoài qua đường miệng, tạo âm thanh ợ.

Khi chúng ta ăn uống, việc nhai và nuốt sẽ làm giãn cơ thực quản dưới đồng thời đưa không khí từ bên ngoài vào cơ thể, khiến lượng khí dư bị tích tụ lại. Khi lượng khí này tích tụ đủ lớn sẽ được đẩy ra ngoài cơ thể qua hiện tượng ợ hơi.

Triệu chứng bị ợ hơi là gì

Thông thường chúng ta bị ợ hơi sau khi ăn quá no hoặc uống các loại nước có gas

Thông thường, chúng ta bị ợ hơi sau khi ăn quá no hoặc uống các loại nước có gas. Tuy nhiên, ợ hơi liên tục, ợ hơi mạn tính có thể là triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, viêm dạ dày do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (Hp hoặc H. pylori)…

Ngoài ra, bị ợ hơi liên tục còn khiến người bệnh khó chịu, chán ăn, ảnh hưởng đến sinh hoạt. Trong trường hợp này, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh biến chứng của những bệnh lý nguy hiểm về tiêu hóa.

2. Các cơ quan tiêu hóa gây tình trạng ợ hơi

Một số cơ quan tiêu hóa dễ bị tích tụ khí gây ra triệu chứng ợ hơi bao gồm:

– Thực quản: Nguyên nhân tích tụ khí tại thực quản gây chứng ợ hơi bao gồm nhiễm khuẩn Hp, trào ngược dạ dày thực quản, ăn uống quá nhanh, nói chuyện trong khi ăn và do quá trình hô hấp, nuốt nước bọt.

– Dạ dày: Dạ dày là nơi dễ bị tích tụ và gây ra triệu chứng ợ hơi nhiều nhất. Việc tích tụ khí tại dạ dày là do khí đến từ thực quản và quá trình tiêu hóa thức ăn cũng sinh ra nhiều khí, khiến dạ dày căng lên tạo áp lực lên thành dạ dày. Lúc này, miệng dạ dày hở và tống hơi ra ngoài qua đường miệng. Ngoài ra, một số bệnh lý dạ dày như viêm và loét dạ dày, nhiễm khuẩn Hp,… cũng có thể khiến người bệnh hay ợ hơi.

– Ruột non: Quá trình tiêu hóa hoặc lên men thức ăn không tiêu hóa được bởi vi khuẩn trong ruột là nguyên nhân tích tụ khí tại ruột non. Bên cạnh đó, hội chứng không dung nạp lactose cũng là một trong những nguyên nhân gây đầy bụng, ợ hơi khiến người bệnh cảm thấy khó chịu.

– Đại tràng: Việc tích tụ khí tại ruột già gây ợ hơi là do quá trình lên men thức ăn, người bệnh bị táo bón, rối loạn tiêu hóa, mắc bệnh Celiac dù đây là nơi cuối cùng hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn.

3. Phân biệt ợ hơi sinh lý và ợ hơi bệnh lý?

Dựa vào tần suất, mức độ nghiêm trọng, triệu chứng ợ hơi được chia thành 2 loại là bị ợ hơi sinh lý và bị ợ hơi bệnh lý.

– Ợ hơi sinh lý: Là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể khi ăn quá no, quá nhanh hay ăn uống đồ có tính kích thích như: nước uống có gas, cafe, tỏi, ớt, dưa chua,… Ở người khỏe mạnh, có thể bị ợ hơi từ 3 – 4 lần trong 1 giờ sau khi ăn và sẽ kết thúc sau 2 giờ. Đặc biệt, ợ hơi thường không có mùi chua, không kèm các biểu hiện khác.

Bị ợ hơi kèm đau bụng buồn nôn là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tiêu hóa

Bị ợ hơi kèm đau bụng buồn nôn là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tiêu hóa

– Ợ hơi bệnh lý: Là một trong những dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc một số bệnh lý đường tiêu hóa khác. 70% bệnh nhân trào ngược dạ dày có triệu chứng ợ hơi nhiều và liên tục, kéo dài.

Dấu hiệu nhận biết bị ợ hơi bệnh lý là tình trạng ợ hơi xảy ra liên tục, không chỉ sau khi ăn mà còn bị nhiều lần trong ngày, không kiểm soát được, ợ hơi ngay cả khi đói và thường kèm các triệu chứng khác như buồn nôn, đau bụng,…

4. Nguyên nhân gây chứng ợ hơi là gì?

Một số nguyên nhân gây ra chứng ợ hơi có thể kể đến bao gồm:

4.1. Bị ợ hơi do nuốt không khí quá nhiều

Khi bạn nuốt không khí quá nhiều và lại lặp đi lặp lại thường xuyên sẽ khiến lượng khí này ở trong dạ dày bị dư thừa. Lúc này, nếu dạ dày đã chứa một lượng thức ăn lớn sẽ khiến lượng không khí này tăng lên, dạ dày bị giãn nở quá mức gây triệu chứng ợ hơi liên tục.

4.2. Bị ợ hơi đầy bụng do ăn uống

Thường xuyên sử dụng thực phẩm nhiều đường, giàu chất béo, tinh bột, đồ uống có ga, ăn nhanh, nhai không kỹ sẽ khiến dạ dày phải hoạt động với công suất lớn. Điều này khiến cho dịch vị dạ dày tiết ra nhiều và dạ dày phải co bóp nhiều hơn.

Ngoài ra, nồng độ acid trong dạ dày cũng bị tăng lên, vượt quá mức bình thường, gây tình trạng dạ dày bị ức chế. Khi đó phản xạ lỗ môn vị bị kích thích và đóng lại, van tâm vị mở ra khiến lượng khí sinh ra ở dạ dày bị dồn nén lại, cơ thắt ở thực quản bị suy yếu đi.

4.3. Bị ợ hơi nóng rát cổ do tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc như có thể gây ra triệu chứng ợ hơi kèm theo nóng rát cổ bao gồm: thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như Naproxen, Ibuprofen…

Bị ợ hơi nóng rát cổ do uống thuốc kháng viêm không steroid

Bị ợ hơi nóng rát cổ do uống thuốc kháng viêm không steroid

Nguyên nhân là do các loại thuốc này khiến hệ thống vi khuẩn trong đường tiêu hóa bị rối loạn, lượng men trong dạ dày không đủ để chuyển hóa thức ăn, khiến thức ăn bị dư thừa và lên men.

4.4. Bị ợ hơi do bệnh lý tiêu hóa

Triệu chứng ợ hơi còn là dấu hiệu của các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa dưới đây:

4.4.1. Bệnh trào ngược dạ dày

Đây là bệnh lý phổ biến có thể gặp ở mọi độ tuổi và ở cả nam và nữ. Một số triệu chứng kèm theo ợ hơi bao gồm:

– Ợ nóng, ợ chua

– Buồn nôn và nôn

– Đau tức thượng vị

– Khó nuốt

– Khàn giọng, ho nhiều, viêm họng mãn tính

– Hôi miệng, miệng tiết nhiều nước bọt.

4.4.2. Bệnh viêm dạ dày

Nếu bạn thường xuyên bị ợ hơi kèm một số triệu chứng dưới đây thì rất có thể bạn đang mắc viêm dạ dày:

– Đau thượng vị, có thể đau nhiều nhiều khi đói hoặc sau ăn hoặc cả hai

– Chướng bụng, đầy hơi sau ăn nên không ăn

– Ợ chua, ợ nóng

– Chán ăn

– Buồn nôn và nôn

Viêm dạ dày là tình trạng bề mặt niêm mạc bị tổn thương, bào mòn do vi khuẩn hoặc những tác nhân khác. Bệnh được chia làm 2 loại gồm: viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mạn tính.

4.4.3. Viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày xảy ra khi lớp niêm mạc bị tổn thương gây viêm loét. Khi kích thước của ổ loét còn nhỏ có thể chưa ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe song nếu chúng lan rộng sẽ khiến niêm mạc bị bào mòn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh.

Bị ợ hơi do viêm loét dạ dày

Người bệnh mắc viêm loét dạ dày có thể bị ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu…

Một số triệu chứng của viêm loét dạ dày kèm theo bị ợ hơi gồm:

– Đau bụng vùng trên rốn (thượng vị)

– Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn và nôn

– Nóng rát thượng vị, ợ chua

– Chức năng tiêu hóa bị rối loạn

– Nôn ra máu, đi ngoài phân đen.

4.4.4. Chứng khó tiêu chứng năng

Khó tiêu chức năng là thuật ngữ mô tả triệu chứng đầy hơi, khó tiêu và đau vùng thượng vị lặp đi lặp lại mà không có nguyên nhân. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là đau thượng vị, nóng rát thượng vị, ăn nhanh no. Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể ngoài bị ợ hơi, là đầy bụng và buồn nôn.

Hiện nay, nguyên nhân gây khó tiêu chức năng vẫn chưa xác định được. Một số yếu tố như: nhiễm khuẩn, lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm không steroid, hút thuốc lá,… có thể gây ra chứng khó tiêu chức năng.

4.4.5.Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích là tình trạng rối loạn chức năng tiêu hóa mà không ghi nhận bất kỳ tổn thương nào ở đường ruột. Bệnh lý này đặc trưng bởi triệu chứng đau bụng, đầy bụng và thói quen đi tiêu thay đổi bất thường (táo bón, tiêu chảy hoặc bị cả hai cùng lúc). Đôi khi hội chứng ruột kích thích cũng có gây ra ợ hơi liên tục và buồn nôn.

Hội chứng ruột kích thích tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng gây ra nhiều khó chịu và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Người mắc hội chứng ruột kích thích mạn tính có thể bị trĩ và mắc một số vấn đề tâm lý (trầm cảm, rối loạn lo âu).

Vì vậy, việc điều trị và khắc phục các triệu chứng là cần thiết để đảm bảo chất lượng cuộc sống của người bệnh.

4.4.6. Bị ợ hơi do nhiễm khuẩn Hp

Theo nhiều số liệu thống kê, có đến 80% người mắc bệnh viêm loét dạ dày đều dương tính với vi khuẩn Hp.

Nhiễm khuẩn Hp xâm nhập, phát triển trong dạ dày và gây tổn thương lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc. Hầu hết người nhiễm vi khuẩn Hp đều không bất kỳ triệu chứng nào. Chỉ khi chúng đã tác động đến dạ dày gây viêm, loét dạ dày tá tràng thì người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng như đau thượng vị, bị ợ hơi, ợ nóng, buồn nôn, nôn, chán ăn,…

4.4.7.Bị ợ hơi do không dung nạp lactose

Không dung nạp lactose là hiện tượng cơ thể không thể phân giải lactose do sự thiếu hụt enzyme lactase. Enzyme lactase được sản xuất tại ruột non, có vai trò phân giải đường lactose thành galactose và glucose. Khi thiếu hụt enzyme lactase mà cơ thể phải tiêu thụ thực phẩm có chứa lactose thì người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như: ợ hơi, đầy bụng, đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy.

Bị ợ hơi do không dung nạp lactose

Bị ợ hơi do không dung nạp lactose

4.4.8.Liệt dạ dày

Bị ợ hơi nhiều cũng là một triệu chứng của bệnh liệt dạ dày. Bệnh xảy ra khi dạ dày không thể đẩy thức ăn xuống ruột, khiến thức ăn bị ứ lại ở dạ dày trong một thời gian dài.

Liệt dạ dày sẽ ngăn cản quá trình tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như: ăn nhanh no, khó tiêu, buồn nôn, nôn, đầy bụng, đau thượng vị,…

4.4.9.Ung thư đường tiêu hóa

Ung thư đường tiêu hóa thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn sớm và tùy vào vị trí ung thư sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau.

Ợ hơi liên tục không phải dấu hiệu điển hình của ung thư nhưng nếu đi kèm với buồn nôn, nôn, chán ăn, đau bụng, nôn ra máu… có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý tiêu hóa trong đó có ung thư thực quản, ung thư dạ dày,…

5. Bị ợ hơi khi nào cần khám bác sĩ?

Khi bị ợ hơi liên tục, khoảng 30 lần một ngày và kèm theo nhiều triệu chứng nguy hiểm dưới đây thì người bệnh cần thăm khám ngay tại các cơ sở y tế.

– Tiêu chảy kéo dài.

– Đau bụng kéo dài hoặc đau quặn bụng.

– Nôn ra máu, đi ngoài ra máu.

– Sút cân đột ngột không rõ nguyên nhân.

– Đau tức ngực, tim đập nhanh.

– Chán ăn, ăn nhanh no.

– Sốt, nhiệt độ cao hơn 38ºC

– Thở gấp, thở khò khè, nghẹt thở, thở không được…

– Khó thở, nóng rát thượng vị.

– Đầy hơi, chướng bụng thường xuyên.

6. Các phương pháp điều trị chứng ợ hơi?

Dưới đây là gợi ý về một số cách điều trị ợ hơi mà bạn có thể tham khảo.

6.1. Tự điều trị ợ hơi

Nười bệnh có thể cải thiện chứng ợ hơi bằng những cách sau:

– Nằm nghiêng về một bên.

– Áp dụng tư thế đầu gối lên ngực, nên giữ tư thế này cho đến khi lượng khí dư thừa được thoát hết ra bên ngoài.

– Đi bộ hoặc tập những bài thể dục nhẹ nhàng sau khi ăn 15 – 30 phút để thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn, tránh gây chướng bụng ợ hơi.

Nằm nghiêng một bên có thể giúp cải thiện tình trạng bị ợ hơi

Nằm nghiêng một bên có thể giúp cải thiện tình trạng bị ợ hơi

Ngoài ra, bạn sử dụng một số loại trà như: trà gừng, trà bạc hà, trà hoa cúc, nước chanh mật ong… để cải thiện triệu chứng ợ hơi. Tuy nhiên, những bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày, phụ nữ đang mang thai không nên áp dụng cách này.

6.2. Chăm sóc y tế khi bị ợ hơi

Nếu đã áp dụng các cách chữa ợ hơi tại nhà mà không có hiệu quả, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc phù hợp tùy nguyên nhân gây ra ợ hơi như:

– Thuốc Esomeprazol, Lansoprazol… làm giảm nồng độ axit trong dạ dày, giúp cải thiện hiện tượng ợ hơi và các triệu chứng đi kèm khác.

– Thuốc Domperidon: Điều hòa sự co bóp của dạ dày.

– Một số loại men tiêu hóa như: Neopeptine, T.Pepsin….

**Lưu ý: Các loại thuốc trên chỉ phát huy hiệu quả khi được sử dụng đúng liều lượng, đúng diện bệnh. Vì thế, người bệnh không được tự ý mua về điều trị mà cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn đơn thuốc phù hợp và hiệu quả.

7. Phòng ngừa triệu chứng ợ hơi như thế nào?

Theo các chuyên gia về tiêu hóa, chứng ợ hơi hoàn toàn có thể khắc phục nếu bạn áp dụng một số cách sau:

7.1. Thay đổi cách ăn uống

– Nên ăn chậm, nhai kỹ trước khi nuốt.

– Ăn đúng bữa, đúng giờ.

– Không nên ăn quá no hoặc để bụng quá đói.

– Sau khi ăn nên dành thời gian nghỉ ngơi, không nên vận động mạnh.

– Trong khi ăn không nên nói chuyện nhiều để tránh không khí đi vào dạ dày thông qua miệng.

7.2. Thay đổi chế độ ăn uống

– Nên ăn các thực phẩm mềm, dạng lỏng, dễ tiêu hóa.

– Không nên ăn thực phẩm cứng, cay nóng, chứa nhiều tinh bột, chất xơ.

Để tránh tình trạng ợ hơi, chúng ta nên hạn chế đồ uống có ga

Để tránh tình trạng ợ hơi, chúng ta nên hạn chế đồ uống có ga

– Kiêng đồ uống có cồn, có ga như rượu, cà phê,…

– Bổ sung thực phẩm có lợi cho đường ruột như sữa chua, đu đủ, thanh long,…

7.3. Thay đổi thói quen sinh hoạt

– Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để cải thiện sức khỏe, nâng cao sức đề kháng.

– Luôn giữ tinh thần lạc quan, tránh stress kéo dài.

– Từ bỏ những thói quen không tốt như: uống rượu, hút thuốc lá,…

– Hạn chế sử dụng nước uống có ga, chứa chất kích thích.

– Không nên nhai kẹo cao su để tránh tình trạng bị ợ hơi, đầy bụng.

8. Lời khuyên của bác sĩ khi găp tình trạng ợ hơi

Theo các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa – Bệnh viện quốc tế Vĩnh Phúc thì bị ợ hơi là hiện tượng sinh lí bình thường mà ai cũng sẽ gặp phải ít nhất một lần trong đời. Tuy nhiên, nếu thường xuyên bị ợ hơi trong nhiều ngày, tần suất liên tục thì người bệnh không được bỏ qua bởi nó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm về đường tiêu hóa.

Khám ợ hơi bác sĩ tiêu hóa tại Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc

Nếu thường xuyên bị ợ hơi trong nhiều ngày, tần suất liên tục thì người bệnh cần đi khám sớm bởi nó có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm

Vì thế, để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, bạn nên xây dựng cho bản thân một chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày khoa học hợp lý; đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị khi thấy bị ợ hơi kèm thêm các dấu hiệu bất thường khác.

Ngoài ra, trong quá trình điều trị người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được bỏ điều trị giữa chứng hay tự ý mua thuốc về sử dụng để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Hy vọng rằng với những thông tin trong bài viết trên, khách hàng đã hiểu thêm về triệu chứng bị ợ hơi. Để được giải đáp các thắc mắc về ợ hơi cũng như đặt lịch khám cùng chuyên gia tiêu hóa hàng đầu tại CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline: 0969.566.115.

CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc

122 Nguyễn Tất Thành, Phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

Website: https://benhvienvinhphuc.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/122nguyentatthanh

Ảnh poup
Đăng ký ngay

    Chúng tôi cam kết không chia sẻ thông tin cá nhân của bạn cho bên thứ 3

    Giờ làm việc

    1900 888 656
    Đặt lịch khám