Ngày hội sức khỏe - Chăm sóc & tư vấn miễn phí

[TỔNG HỢP] 6 vị trí đau bụng cảnh báo bệnh lý

Hoa Nguyễn Thị
60

Đau bụng có thể chỉ là hiện tượng bình thường, nhưng cũng là dấu hiệu cảnh báo vấn đề về sức khỏe. Trong một số trường hợp, triệu chứng đau bụng cần phải điều trị nội khoa hoặc can thiệp phẫu thuật. Việc xác định chính xác vị trí đau bụng sẽ giúp bác sĩ phát hiện nguyên nhân và có phương pháp điều trị phù hợp.

1. Ổ bụng nằm ở vị trí nào?

Ổ bụng nằm ở vị trí từ mũi ức xuống tận đáy chậu và được chia thành hai vùng chính là thượng vị (trên rốn) và hạ vị (dưới rốn).

Trong ổ bụng gồm có các cơ quan như: dạ dày – tá tràng, gan, lách, tụy tạng, hệ thống mật (đường dẫn mật và túi mật), ruột (đại tràng, ruột non, mạc treo, trực tràng, hậu môn), hệ tiết niệu (thận, niệu quản, bàng quang), với phụ nữ còn có tử cung, buồng trứng, vòi trứng, âm đạo.

2. Triệu chứng đau bụng là gì?

Đau bụng là triệu chứng khá phổ biến mà nhiều người mắc phải, có thể xuất phát từ sự bất thường của các cơ quan trong ổ bụng, hoặc cơ quan nằm bên cạnh bụng như ngực, xương chậu hoặc lưng. Đau bụng xảy ra có thể do các cơ quan bị viêm, căng giãn, hoặc do mất máu cung cấp cho các cơ quan.

6 vị trí đau bụng cảnh báo bệnh lý

Đau bụng là triệu chứng mà rất nhiều người có thể gặp phải trong sinh hoạt hằng ngày

Đôi khi, các cơn đau bụng là do chúng ta ăn quá no, ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo, thực phẩm dễ sinh hơi, hoặc người không dung nạp lactose nhưng lại ăn nhiều sữa. Các cơn đau bụng này thường khỏi trong vài giờ hoặc kéo dài vài ngày.

Hầu hết nguyên nhân gây đau bụng thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu cơn đau kèm theo các dấu hiệu bất thường thì có thể là triệu chứng của một bệnh lý nghiêm trọng cần được thăm khám và chẩn đoán.

3. Các vị trí đau bụng thường gặp

Để nhận diện vị trí đau bụng, người ta thường lấy vùng xung quanh rốn làm trung tâm và phân chia ra trái, phải, trên, dưới, giữa. Các vị trí đau bụng có thể kể tới là:

– Đau giữa bụng, đau bụng ngang rốn, đau xung quanh rốn

– Đau bụng dưới rốn

– Đau bụng trên rốn

– Đau bụng bên trái

– Đau bụng phía trên, bên phải

Các vị trí đau bụng thường gặp

Các vị trí đau bụng thường cảnh báo các bệnh lý

– Đau bụng phía trên, bên trái

– Đau bụng phía dưới, bên phải

– Đau bụng phía dưới, bên trái

– Đau bụng vùng thắt lưng

Vị trí trong ổ bụng bị đau sẽ liên quan tới các cơ quan nằm tại vị trí đó, phản ánh tình trạng của các cơ quan này. Ngoài ra, cấu tạo cơ quan của 2 giới có sự nhau, nên các vị trí đau bụng ở nữ và nam có thể có sự khác biệt.

4. Vị trí đau bụng cảnh báo những bệnh lý nào?

Dưới đây là các vị trí đau bụng, có thể liên quan đến bệnh lý mà bạn cần chú ý:

4.1. Vị trí đau bụng ngang rốn

Vị trí đau bụng ngang rốn hay đau bụng quanh rốn thường liên quan tới các vấn đề về tiêu hóa như:

– Ngộ độc thực phẩm: Nếu ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, nhiễm vi khuẩn, nấm, mốc… thì bạn có thể bị ngộ độc. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như: đau bụng dữ dội, tiêu chảy, nôn nhiều, mất nước…

– Táo bón: Tình trạng này gây ra các cơn đau nhói, và đau từng cơn. Người bệnh đi ngoài  rặn khó, phân rắn…

– Viêm đại tràng: Lớp niêm mạc đại tràng có thể bị viêm nhiễm do vi khuẩn, virus, thiếu máu… gây ra các cơn đau bụng. Bệnh có thể diễn biến cấp tính hoặc mạn tính.

– Hội chứng ruột kích thích: Đây là tình trạng rối loạn chức năng hoạt động của hệ tiêu hóa, với các triệu chứng đi kèm gồm đầy hơi, rối loạn đại tiện, đau bụng… Tuy nhiên hội chứng này lại không gây ra các tổn thương thực thể.

4.2. Vị trí đau bụng vùng thượng vị

Đau bụng tại vị trí này, bạn có thể gặp các vấn đề về dạ dày như:

Trào ngược dạ dày – thực quản: Cơ vòng thực quản bị suy giảm chức năng khiến axit dịch vị ở dạ dày trào ngược lên thực quản. Tình trạng này có thể đi kèm với các triệu chứng như: ợ nóng, ợ chua, đắng miệng, nóng rát vùng thượng vị.

Vị trí đau bụng vùng thượng vị

Đau bụng vùng thượng vị cảnh báo bệnh trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày, thậm chí ung thư dạ dày

Viêm loét dạ dày: Thi thoảng bạn sẽ gặp cơn đau nhói hoặc đau dữ dội vùng bụng trên, kèm buồn nôn và nôn, ợ hơi, đại tiện phân đen, khó ngủ, mệt mỏi, sút cân…

– Ung thư dạ dày: Các dấu hiệu có thể gồm đau bụng dai dẳng, giảm cân đột ngột, đi ngoài ra máu, nôn ra máu…

4.3. Vị trí đau bụng phía trên, bên phải

Vị trí đau là vùng bụng bên phải nhưng nằm phía trên rốn. Đây có thể được gọi là đau hạ sườn phải. Ngoài các vấn đề liên quan tới gan, thận, tình trạng này có thể bắt nguồn từ mật như viêm túi mật, sỏi mật. Trên thực tế sỏi mật chỉ được phát hiện khi sỏi làm tắc ống dẫn mật. Trong trường hợp này bạn sẽ bị đau dữ dội, buồn nôn, sốt…

4.4. Đau bụng phía dưới, bên phải

Vị trí đau bụng này nằm phía bên phải, dưới vùng rốn, xuống gần bẹn. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý như:

– Viêm ruột thừa: Đây là tình trạng khẩn cấp, cần được kịp thời cấp cứu nếu không sẽ đe dọa tính mạng người bệnh. Ngoài triệu chứng đau bụng dữ dội, người bệnh sẽ bị sưng bụng, sốt cao…

– Bệnh Crohn: Đau từng cơn, lặp đi lặp lại, kèm tiêu chảy, phân lẫn máu, chán ăn. Trong những đợt cấp, cơn đau biểu hiện nhiều nhất là ở bụng dưới bên phải.

4.5. Vị trí đau bụng bên dưới rốn

Vị trí dưới rốn chủ yếu là ruột non, đại tràng. Vị trí đau bụng dưới rốn rất có thể liên đến các bệnh về tiêu hóa, niệu quản, buồng trứng và tử cung. Các bệnh lý liên quan như: hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, tắc ruột, ung thư ruột non, phình động mạch chủ bụng, viêm phúc mạc.

Vị trí đau bụng bên dưới rốn

Cơn đau bụng dưới rốn ở nữ giới có thể do lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng…

Nếu cơn đau xuất phát từ các cơ quan vùng chậu có thể do lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, viêm vùng chậu, có thai ngoài tử cung, ung thư tử cung.

4.6. Đau toàn bộ vùng bụng

Cơ đau lan tỏa ra khắp vùng bụng. Trường hợp này có thể do một số nguyên nhân sau:

– Viêm phúc mạc: Là tình trạng viêm nhiễm lớp phúc mạc – màng treo và màng bụng bao bọc các tạng trong ổ bụng. Nguyên nhân thường do nhiễm vi khuẩn.

– Phình động mạch chủ: Thành động mạch chủ chạy qua ổ bụng bị giãn. Nếu bị vỡ nó sẽ gây xuất huyết dẫn tới đau bụng dữ dội và cần được cấp cứu kịp thời.

– Tắc ruột: Ruột non hoặc ruột già có thể bị tắc nghẽn do khối u, nếp xoắn, sẹo hậu phẫu. Lúc này, các triệu chứng đi kèm bao gồm: nôn, chướng bụng, không thể trung tiện, đại tiện…

– Lao ruột: Xảy ra khi vi khuẩn lao tấn công tấn công đường ruột. Đây là một bệnh hiếm gặp.

5. Đau bụng được chẩn đoán như thế nào?

Do có nhiều nguyên nhân và bệnh lý gây ra các cơn đau bụng nên để chẩn đoán bác sĩ cần thực hiện một số biện pháp sau:

– Khám lâm sàng: Xác định vị trí đau, mức độ đau, các triệu chứng, tiền sử bệnh… thông qua các câu hỏi dành cho người bệnh.Thông qua các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ có những đánh giá ban đầu.

Đau bụng được chẩn đoán như thế nào?

Người bệnh sẽ được khám lâm sàng để xác định vị trí đau, mức độ đau, các triệu chứng, tiền sử bệnh…

– Xét nghiệm cận lâm sàng: Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm một số xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh để đưa ra kết luận chính xác về bệnh lý mà bệnh nhân mắc phải như: sỏi mật, viêm ruột thừa, viêm tụy, ung thư tụy, viêm ruột thừa, viêm túi mật…

Các cận lâm sàng để chẩn đoán đau bụng bao gồm: Xét nghiệm máu, nước tiểu, phân, nội soi dạ dày – đại tràng, chụp X-quang bụng, siêu âm ổ bụng, siêu âm tử cung buồng trứng, chụp cắt lớp ổ bụng có tiêm thuốc…

6. Làm sao để điều trị đau bụng?

Tùy thuộc vào vị trí đau bụng, nguyên nhân gây đau bụng, bác sĩ sẽ đưa phương pháp điều trị thích hợp như: dùng thuốc điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng; kháng sinh cho các loại nhiễm trùng, hoặc thay đổi thói quen ăn uống sinh hoạt. Một số trường hợp sẽ phải cần đến phẫu thuật để điều trị như: viêm ruột thừa, sỏi thận, sỏi đường mật.

Bác sĩ có thể chỉ định các thuốc để điều trị căn cứ vào nguyên nhân gây đau bụng như:

– Đau bụng do rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy: Thuốc Berberin, Loperamid (cầm tiêu chảy không rõ nguyên nhân), dung dịch Oresol (bổ sung nước và các chất điện giải khi bị tiêu chảy);

– Nhóm thuốc điều trị buồn nôn, khó tiêu, trào ngược dạ dày, đầy bụng, ợ hơi, táo bón;

– Nhóm thuốc trị ợ chua do thừa axit dịch vị; thuốc trị nôn hoặc có cảm giác buồn nôn, chống trào ngược dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa.

Bên cạnh đó, người bệnh nên cho ruột nghỉ ngơi, chỉ ăn những thức ăn nhẹ, dễ tiêu như cháo, súp; uống nhiều nước; dùng khăn ấm hay túi giữ nhiệt chườm lên bụng để giảm đau; massage, xoa nhẹ vị trí đau bụng để hỗ trợ tuần hoàn máu giúp giảm đau.

7. Phòng tránh bị đau bụng như thế nào?

Tùy nguyên nhân gây đau bụng sẽ có biện pháp phòng ngừa khác nhau. Với những bệnh thông thường liên quan đến đường tiêu hóa, cần xây dựng lối sống lành mạnh: ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh, trái cây; uống đủ nước (2-2,5 lít nước/ngày), bổ sung men vi sinh có lợi cho đường ruột; làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần lạc quan, thoải mái.

Phòng tránh bị đau bụng như thế nào?

Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái góp phần duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh

Bên cạnh chế độ ăn uống, nên duy trì chế độ tập luyện hằng ngày, giúp tăng cường trao đổi chất và khả năng miễn dịch của cơ thể; hạn chế đồ uống có cồn, đồ ăn cay nóng; không hút thuốc lá;

Ngoài ra, mọi người cần thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh lý (nếu có), từ đó điều trị kịp thời, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Và quan trọng nhất, khi có những triệu chứng bất thường, bạn cần chủ động thăm khám sớm, tránh bệnh tiến triển nặng, gây khó khăn cho điều trị và tốn kém chi phí.

Hy vọng rằng với những thông tin trong bài viết trên, bạn đã có thêm kiến thức hữu ích để nhận diện các bệnh lý liên quan đến vị trí đau bụng.

Để được tư vấn về dịch vụ khám và điều trị bệnh lý tiêu hóa cũng như đặt lịch khám cùng chuyên gia tiêu hóa tuyến Trung ương, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline: 1900.888.656

CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc

122 Nguyễn Tất Thành, Phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

Website: https://benhvienvinhphuc.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/122nguyentatthanh

Ảnh poup
Đăng ký ngay

    Chúng tôi cam kết không chia sẻ thông tin cá nhân của bạn cho bên thứ 3

    Giờ làm việc

    1900 888 656
    Đặt lịch khám