Ngày hội sức khỏe - Chăm sóc & tư vấn miễn phí

Đau bụng cấp tính là gì? Có nguy hiểm không và xử trí như thế nào?

Hoa Nguyễn Thị
37

Đau bụng cấp tính là cơn đau dữ dội và xuất hiện đột ngột. Đây là phản ứng của cơ thể trước sự tấn công của tác nhân gây bệnh. Triệu chứng đau bụng cấp tính có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm cần cấp cứu ngay lập tức, nhưng cũng có thể do rối loạn tiêu hóa và tự khỏi sau đó.

Vậy đau bụng cấp tính do những nguyên nhân nào gây ra? Cách xử trí như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời.

1. Đau bụng cấp tính là gì?

Khoảng 80% các trường hợp đau bụng có liên quan đến bệnh lý đường tiêu hóa. Tính chất cơn đau bụng thường rất đa dạng như: Đau quặn bụng, đau âm ỉ kéo dài, đau nhói từng cơn,…Cơn đau bụng thường được chia làm 2 dạng  là: đau bụng cấp tính và đau bụng mạn tính.

Với đau bụng cấp tính, cơn đau bụng xuất hiện đột ngột và kéo dài không quá 2 tuần. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm cần được xử trí ngay, nhưng cũng có thể là cơn đau đau bụng do rối loạn tiêu hóa thông thường.

2. Đau bụng cấp tính có nguy hiểm không?

Căn cứ vào vị trí đau bụng, tính chất cơn đau mà tình trạng đau bụng cấp tính được chia thành 2 loại như sau:

– Đau bụng cấp tính nguy hiểm: Một số bệnh lý có biểu hiện đau bụng cấp tính nguy hiểm cần được xử trí ngay lập tức như:

+ Nhiễm trùng đường ruột, lúc này người bệnh sẽ có các triệu chứng: Sốt cao và đại tiện phân lỏng, nhầy máu, trường hợp nặng có thể kèm theo tụt huyết áp, sốc nhiễm trùng.

+ Thủng tạng rỗng: Bệnh nhân đau bụng dữ dội kèm theo chướng bụng, nôn và không trung tiện, đại tiện được.

Đau bụng cấp tính có nguy hiểm không?

Đau bụng cấp tính sẽ gây nguy hiểm trong trường hợp thủng tạng, nhiễm trùng đường ruột, viêm ruột thừa cấp…

+ Viêm ruột thừa cấp tính: Là tình trạng lòng ruột thừa bị tắc, có thể do quá sản thành ruột thừa, sỏi phân, ký sinh trùng, các dị vật… Đây là một trường hợp cấp cứu y tế, cần được điều trị kịp thời bởi nếu viêm kéo dài, nhiễm trùng có thể lây lan vào khoang bụng – vùng cơ thể chứa gan, tuyến tụy, ruột… đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh.

Tất cả những trường hợp trên cần được cấp cứu kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.

– Đau bụng cấp tính không nguy hiểm: Người bệnh có thể bị rối loạn tiêu hóa do ngộ độc thức ăn với các triệu chứng như: đau quặn bụng từng cơn, nôn ói, tiêu chảy, sốt. Cơn đau bụng này có thể tự khỏi, bệnh nhân cần bổ sung dinh dưỡng và bù nước đầy đủ.

Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh sốt cao, đi ngoài có máu là biểu hiện của nhiễm trùng thì cần được thăm khám, chỉ định thuốc điều trị phù hợp. Những trường hợp tiêu chảy, nôn ói nhiều lần, tụt huyết áp thì cần nhập viện điều trị ngay để điều trị.

3. Đau bụng cấp tính là bị bệnh gì?

3.1. Đau bụng vùng trên rốn

– Thủng dạ dày: Người bệnh bị đau bụng đột ngột, đau dữ dội như dao đâm vùng trên rốn, vã mồ hôi, mạch nhanh, kèm nôn, bí trung đại tiện, thành bụng cứng.

Thủng dạ dày thường gặp ở người có tiền sử đau dạ dày và thường xảy ra sau bữa ăn có uống nhiều rượu. Khi gõ bụng thấy trong vùng trước gan và kết quả chụp X-quang bụng có dấu hiệu liềm hơi. Trường hợp thủng dạ dày cần phải phẫu thuật ngay để bảo toàn tính mạng cho người bệnh.

– Viêm tụy tạng cấp thể chảy máu: Người bệnh sẽ bị đau vùng trên rốn, lan ra sau lưng. Cơn đau xuất hiện đột ngột sau một bữa ăn giàu dinh dưỡng. Các triệu chứng rất nguy hiểm bao gồm: mạch nhanh, huyết áp tụt, xét nghiệm cho thấy men aminaza trong máu tăng rất cao.

– Cơn đau bụng cấp tính do viêm loét dạ dày – tá tràng: Triệu chứng thường gặp là đau trên rốn, kèm ợ hơi, ợ chua. Cơn đau thường vào lúc no hoặc đói, sau khi uống rượu, ăn đồ chua cay.

Đau bụng cấp tính do viêm loét dạ dày

Cơn đau bụng cấp tính do viêm loét dạ dày thường ở trên rốn, kèm theo ợ chua, ợ hơi nhiều

– Đau bụng cấp tính do áp-xe gan: Cơn đau xuất hiện ở vùng hạ sườn phải, lan lên ngực khiến người bệnh không dám thở mạnh. Đi kèm với đó là triệu chứng sốt cao, môi khô, lưỡi bẩn.

Áp-xe gan có thể vỡ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc. Người bệnh cần can thiệp bằng ngoại khoa để cấp cứu.

– Sỏi đường mật: Xuất hiện cơn đau quặn vùng hạ sườn phải dữ dội, đột ngột, sốt, vàng da. Cơn đau thường tái phát nhiều lần. Trường hợp mật bị tắc, túi mật căng giãn, có thể vỡ vào ổ bụng, gây viêm phúc mạc. Người bệnh cần phải mổ cấp cứu ngay lập tức.

– Đau bụng cấp tính do giun chui ống mật: Cơn đau bụng xuất hiện đột ngột, dữ dội vùng trên rốn và hạ sườn phải. Bệnh nhân phải nằm tư thế chổng mông hoặc dựng ngược hai chân lên tường.

Trường hợp đường mật bị tắc, người bệnh sẽ phải mổ để xử trí.

3.2. Đau bụng vùng dưới rốn

– Đau bụng cấp tính do sỏi bàng quang: Người bệnh sẽ đau dữ dội bụng dưới, tái phát nhiều lần. Cơn đau thường xảy ra sau khi lao động, đi lại đường xóc, kèm theo tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu ra máu. Trường hợp này người bệnh phải đi khám cấp cứu để được xử trí.

– Chửa ngoài dạ con bị vỡ: Thai phụ sẽ đau bụng dữ dội, đột ngột, xuất huyết ở đường sinh dục, hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, huyết áp hạ. Ngoài ra, bệnh nhân trong tình trạng choáng do mất máu. Lúc này, thai phụ cần được cấp cứu ngay lập tức.

– Động thai, sảy thai: Phụ nữ đang có thai bị ngã hay va chạm, nếu có triệu chứng đau bụng vùng dưới rốn, đau liên tục hoặc đau từng cơn, cảm giác mỏi sau lưng, âm đạo có máu tươi hoặc máu đen thì cần đi khám cấp cứu sớm.

3.3. Đau bụng vùng hố chậu phải hoặc trái

– Viêm ruột thừa: Cơn đau đột ngột, lâm râm hoặc dữ dội vùng hố chậu phải, kèm theo sốt, nôn mửa, mạch nhanh, bí trung, đại tiện. Bạch cầu đa nhân trung tính trong máu tăng cao. Lúc này, người bệnh cần được mổ cấp cứu sớm để xử trí.

– Đau bụng cấp tính do u nang buồng trứng bị xoắn: Người bệnh sẽ đau bụng dữ dội, đột ngột ở hố chậu phải hoặc trái. Bệnh thường gặp ở những phụ nữ có u nang buồng trứng.

Đau bụng cấp tính do u nang buồng trứng bị xoắn

Đau bụng cấp tính do u nang buồng trứng bị xoắn ở nữ giới

– Sỏi niệu quản: Bệnh nhân thường đau dữ dội ở bên hố chậu có sỏi. Cơn đau lan xuống đùi, bộ phận sinh dục, tái phát nhiều lần. Tình trạng đau xuất hiện sau khi vận động mạnh, kèm theo nước tiểu có màu đỏ hoặc bí đái.

– Viêm đại tràng cấp do amíp: Bệnh nhân thường đau ở hố chậu phải hoặc trái. Sau cơn đau quặn là mót rặn, đi ngoài ra máu và mũi nhày.

3.4. Đau bụng không có vị trí cố định

– Đau bụng cấp tính do tắc ruột: Viêm màng bụng, lao màng bụng, mổ cũ làm dính ruột, do nút thức ăn, búi giun, ung thư mạc treo… có thể gây ra tắc ruột. Các triệu chứng thường gặp là đau bụng dữ dội, kèm theo nôn, bí trung đại tiện.

– Lồng ruột: Người bệnh có dấu hiệu đau và nôn như tắc ruột. Đoạn ruột bị lồng nổi lên và di chuyển, có thể sờ thấy búi ruột lồng, khám hậu môn có máu. Tình trạng lồng ruột thường gặp ở trẻ em là chủ yếu.

– Thủng ruột: Thường do biến chứng của thương hàn, lao ruột, vật nhọn đâm vào ruột. Lú này, người bệnh có cảm giác bụng đau dữ dội như dao đâm, nhiễm khuẩn, choáng, đau khắp bụng, thành bụng co cứng. Trường hợp này cần phải xử trí cấp cứu sớm.

– Đau bụng cấp tính do giun: Cơn đau lâm râm, có khi đau quặn quanh rốn, buồn nôn và nôn. Thường gặp ở người bệnh có tiền sử đi ngoài phân có giun.

– Viêm ruột cấp do ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn: Thường gặp nhiều vào mùa hè, dịp lễ tết, tiệc cưới, đám ma, có thể gây thành dịch tiêu chảy cấp. Nguyên nhân chủ yếu là do không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Viêm ruột cấp do ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn

Viêm ruột cấp do ăn thức ăn bị nhiễm khuẩn

Triệu chứng thường gặp là đau bụng, đi ngoài nhiều lần, nôn mửa, có thể có sốt. Trường hợp do vi khuẩn tả gây ra, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như: miệng nôn trôn tháo liên tục, phân toàn nước. Bệnh diễn biến nhanh chóng dẫn đến tình trạng mất nước, mất muối nghiêm trọng, trụy mạch và có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

– Đau bụng cấp tính do ngộ độc: Người bệnh có thể ăn phải nấm độc, sắn, dứa, quả độc, thuốc độc, các hóa chất bảo quản thức ăn… Bệnh nhân có thể không sốt nhưng đau bụng, đi ngoài nhiều lần, phân toàn nước, nôn. Bệnh chuyển biến nhanh gây mất nước, mặt tím tái, khó thở, rồi hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể tử vong.

Tóm lại, các trường hợp đau bụng cấp tính cần phải xem vị trí đau, diễn biến cơn đau, các dấu hiệu kèm theo. Người bệnh nên tới các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và xử trí kịp thời.

4. Xử trí cơn đau bụng cấp tính tại nhà

Nếu cơn đau bụng không có những dấu hiệu nguy hiểm kể trên, thì bạn có thể xử trí tại nhà như sau:

-Nếu bị viêm dạ dày từ trước, thường xuyên đau vùng trên rốn thì bạn cần tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, cùng như không nên ăn quá no. Có thể dùng viên thuốc ức chế bơm proton như nexium, omeprazole trước bữa ăn 30 phút và thuốc kháng acid như gastropulgite (theo đơn bác sĩ đã kê trước đó).

Bên cạnh đó, có thể dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol 500mg – 1000 mg/ lần, 2 lần cách nhau 4-6 tiếng và không dùng quá 4g/ ngày; hoặc thuốc giảm co bóp ruột như buscopan, nospa, tuy nhiên những thuốc này đều có tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.

– Dùng túi chườm ấm vùng bụng bị đau cũng là phương pháp giúp giảm cơn đau bụng do rối loạn tiêu hóa, đau bụng kinh.

– Nếu đau bụng cấp tính kèm đại tiện phân lỏng, trên 3 lần/ngày thì bạn cần chú ý màu sắc của phân. Có thể dùng thuốc giảm tiêu chảy như smecta, berberin, men tiêu hóa. Tăng cường nước, oresol, nước hoa quả khi đi ngoài nhiều lần để bổ sung điện giải, tránh mất nước.

– Nếu cơn đau bụng cấp tính diễn ra âm ỉ, kéo dài nhiều ngày, tái phát nhiều lần và kèm bất thường thì bạn nên đến chuyên khoa tiêu hóa để được tìm hiểu chính xác nguyên nhân và có phương án điều trị bệnh phù hợp.

Với những thông tin trong bài viết trên, hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về tình trạng đau bụng cấp tính và có thể áp dụng khi cần thiết. Điều quan trọng là cần theo dõi kỹ lưỡng các cơn đau về tần suất, vị trí đau bụng, tính chất cơn đau để có hướng xử trí phù hợp.

Để được tư vấn về dịch vụ khám và điều trị bệnh lý tiêu hóa cũng như đặt lịch khám cùng chuyên gia tiêu hóa tuyến Trung ương, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline: 1900.888.656

CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc

122 Nguyễn Tất Thành, Phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

Website: https://benhvienvinhphuc.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/122nguyentatthanh

Ảnh poup
Đăng ký ngay

    Chúng tôi cam kết không chia sẻ thông tin cá nhân của bạn cho bên thứ 3

    Giờ làm việc

    1900 888 656
    Đặt lịch khám