Ngày hội sức khỏe - Chăm sóc & tư vấn miễn phí

Nóng rát thượng vị là gì? Xảy ra khi nào? Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Hoa Nguyễn Thị
142

Nóng rát thượng vị dạ dày là triệu chứng rất dễ gặp phải nếu bạn ăn uống và sinh hoạt kém lành mạnh. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bất thường do bệnh lý gây ra và cần được điều trị y tế. Vậy triệu chứng này xảy ra khi nào, nguyên nhân là gì, làm sao để điều trị và phòng ngừa? Tất cả sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.

1. Nóng rát thượng vị là gì?

Nóng rát thượng vị xảy ra khi dịch axit từ dạ dày trào ngược lên vùng thượng vị, gây cảm giác nóng, đau rát, đi kèm với triệu chứng ợ chua, ợ hơi. Cảm giác nóng rát bắt đầu ở vùng thượng vị sau đó di chuyển lên thực quản và cổ họng. Người bệnh sẽ cảm nhận được triệu chứng rõ nét hơn trước hoặc sau bữa ăn, đặc biệt là sau khi ăn đồ cay nóng, uống rượu bia…

2. Triệu chứng đi kèm nóng rát thượng vị?

Nóng rát thượng vị kéo dài sẽ khiến người bệnh khó chịu, chán ăn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Triệu chứng nóng rát thượng vị có thể cải thiện khi người bệnh thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu triệu chứng xuất hiện thường xuyên và liên tục thì người bệnh nên đi khám, chẩn đoán và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Nóng rát thượng vị xảy ra khi dịch axit từ dạ dày trào ngược lên vùng thượng vị, gây cảm giác nóng, đau rát

Nóng rát thượng vị xảy ra khi dịch axit từ dạ dày trào ngược lên vùng thượng vị, gây cảm giác nóng, đau rát

Phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, nguyên nhân và mức độ tổn thương mà người bệnh có thể gặp thêm các triệu chứng đi kèm khác nhau. Các dấu hiệu kèm theo nóng rát thượng vị mà người bệnh có thể gặp phải bao gồm:

Đau bụng vùng thượng vị hoặc trên rốn kéo dài, lặp đi lặp lại trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng. Các cơn đau có thể xuất hiện khi ngủ hoặc khi vừa thức giấc.

– Ợ nóng, ợ chua.

– Thường xuyên ợ hơi, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu.

– Buồn nôn, nôn ói, chán ăn.

– Khàn giọng, khô họng.

– Khó nuốt, cảm giác nuốt nghẹn như có thức ăn mắc ở cổ.

– Đau thắt ngực.

– Miệng tăng tiết nước bọt, hôi miệng, mòn men răng.

Trong một số trường hợp, những triệu chứng kèm theo nóng rát thượng vị nguy hiểm cần cấp cứu ngay như:

– Xuất huyết dạ dày, đi ngoài phân có màu đen hoặc lẫn máu.

– Đau ngực, tức ngực, tim đập mạnh.

– Đau vùng thượng vị lan ra sau lưng hoặc lan lên vai và xuống cánh tay.

– Tụt huyết áp.

– Khó thở, thở khò khè, không thở được,…

Đây là tình trạng khẩn cấp mà người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

3. Nóng rát thượng vị xảy ra khi nào?

Nóng rát thượng vị có thể xảy ra tại nhiều thời điểm khác nhau như:

– Nóng rát thượng vị về đêm: Thường lặp đi lặp lại lúc 1 – 2 giờ sáng, do sự tăng tiết dịch axit dạ dày vào thời điểm dạ dày trống, đã tiêu hóa hết thức ăn.

– Nóng rát thượng vị khi đói: Khi đói, dạ dày rỗng khiến axit dịch vị tăng lên, người bệnh sẽ cảm thấy nóng rát, tình trạng này diễn ra lâu dài sẽ ảnh hưởng đến lớp niêm mạc và gây đau thượng vị.

– Nóng rát thượng vị sau khi ăn: Xuất hiện do trong dạ dày đã xuất hiện những ổ viêm loét, khi thực phẩm đi qua có thể tạo ma sát, tác động đến vị trí bị viêm dẫn đến tình trạng nóng, đau rát thượng vị sau khi ăn.

4. Nguyên nhân gây nóng rát thượng vị là gì?

Triệu chứng đau nóng rát vùng thượng vị xảy ra do thói quen ăn uống, sinh hoạt hằng ngày, phụ nữ trong thai kỳ và do mắc các bệnh lý về tiêu hóa. Cụ thể như sau:

4.1. Nóng rát thượng vị do thói quen ăn uống, sinh hoạt

Chế độ ăn uống không hợp lý là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nóng rát vùng thượng vị như:

– Thường xuyên ăn món cay nóng, thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, gia vị, ít uống nước,… là những thói quen xấu có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa, trong đó có dạ dày , từ đó gây chứng nóng rát thượng vị, chướng bụng đầy hơi.

– Dị ứng với một số loại thực phẩm như hải sản, đậu phộng, không dung nạp lactose, người bị bệnh Celiac ăn phải gluten… có thể gây ra triệu chứng nóng thượng vị, táo bón, tiêu chảy, đau bụng cấp tính,….

Thường xuyên ăn món cay nóng có thể gây viêm loét dạ dày, gây nóng rát thượng vị

Thường xuyên ăn món cay nóng có thể gây viêm loét dạ dày, gây nóng rát thượng vị

– Thường xuyên uống đồ có chứa caffeine và cồn cũng làm tăng nguy cơ gây đau và nóng rát vùng thượng vị.

– Hút thuốc lá, uống rượu bia thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý dạ dày, gây nóng rát thượng vị.

– Thói quen ăn uống không điều độ, thiếu khoa học, ăn quá no, ăn quá nhanh, bỏ bữa, ăn không đúng giờ, ăn khuya… đều là nguyên nhân gây tình trạng nóng rát thượng vị, ợ chua.

4.2. Nóng rát vùng thượng vị do nguyên nhân bệnh lý

Nguyên nhân gây nóng rát vùng thượng vị có thể do một số bệnh lý tiêu hóa như: loét dạ dày – tá tràng, khó tiêu chức năng, viêm thực quản, viêm dạ dày cấp tính, trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) hoặc hội chứng Zollinger-Ellison… Cụ thể như sau:

Viêm loét dạ dày – tá tràng

Viêm loét dạ dày – tá tràng gây nóng rát vùng thượng vị đi kèm một số triệu chứng khác như: đau bụng vùng thượng vị hoặc đau bụng trên rốn, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, sụt cân,…

Các vết loét hình thành trong dạ dày và đoạn đầu của tá tràng, do dịch axit ăn mòn hoặc do nhiễm vi khuẩn HP phát triển ở lớp niêm mạc. Những tổn thương này ăn sâu qua niêm mạc để lộ lớp cơ niêm (lớp dưới thành dạ dày – tá tràng) và hình thành vết loét.

Loét dạ dày có thể được chữa khỏi nếu người bênh tuân thủ phác đồ của bác sĩ cũng như chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học. Tuy nhiên, nếu bệnh không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến ung thư dạ dày hoặc ung thư tá tràng.

Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD)

Nóng rát thượng vị có thể là dấu hiệu điển hình cảnh báo bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Trào ngược dạ dày – thực quản xảy ra khi cơ vòng thực quản dưới (LES) bị suy giảm chức năng nên không thể đóng hoặc thắt chặt đúng cách.

Chứng trào ngược dạ dày thực quản

Người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể gặp các triệu chứng điển hình như ợ hơi liên tục, ợ chua, nóng rát thượng vị

Thêm vào đó, dịch axit từ dạ dày trào ngược lên gây kích ứng niêm mạc thực quản, từ đó hình thành các triệu chứng như: ợ chua, ợ nóng, khó tiêu. Người bệnh sẽ cảm nhận được cơn đau tức ngực, cơn đau bắt đầu sau xương ức (vùng thượng vị) và di chuyển lên cổ họng.

Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn ở hệ tiêu hóa với tần suất mắc bệnh từ 5% – 20% dân số. Ngoài nóng rát thượng vị và đau bụng, người mắc IBS còn gặp các triệu chứng khác như: đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón,…

Viêm dạ dày cấp tính

Viêm dạ dày cấp tính là tình trạng sưng, viêm niêm mạc dạ dày đột ngột, gây ra các cơn đau dữ dội, nóng rát vùng thượng vị, buồn nôn, nôn ói,…

Nguyên nhân gây viêm dạ dày cấp có thể do nhiễm trùng, lạm dụng thuốc tây, uống nhiều rượu bia, nghiện thuốc lá, căng thẳng,…

Khó tiêu chức năng

Khó tiêu chức năng là hội chứng đầy hơi, khó tiêu và đau thượng vị tái diễn liên tục mà không tìm được nguyên nhân. Các dấu hiệu đặc trưng gồm: no sớm, đầy hơi, đau hoặc nóng rát vùng thượng vị.

Viêm thực quản

Viêm thực quản là tình trạng viêm làm tổn thương đến mô thực quản – ống cơ đưa thức ăn từ miệng đến dạ dày. Viêm thực quản xảy ra do axit dạ dày trào ngược lên thực quản thường xuyên, từ đó gây viêm mạn tính và tổn thương niêm mạc thực quản.

Viêm thực quản xảy ra do axit dạ dày trào ngược lên thực quản thường xuyên

Viêm thực quản xảy ra do axit dạ dày trào ngược lên thực quản thường xuyên

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm thực quản dẫn đến nóng rát vùng thượng vị, khó nuốt, ợ chua,…

Hội chứng Zollinger-Ellison

Đây là tình trạng các khối u tiết gastrin xuất hiện ở tá tràng và tuyến tụy. Nếu nồng độ gastrin tăng sinh quá mức sẽ khiến dạ dày tăng tiết axit dịch vị, làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày – tá tràng, trào ngược dạ dày – thực quản.

Hội chứng Zollinger – Ellison thường không có biểu hiện đặc trưng nên rất khó nhận biết. Một số trường hợp sẽ cảm nhận được chứng nóng rát vùng thượng vị và kèm chán ăn, buồn nôn, nôn ói, đầy hơi, tiêu chảy, đau dạ dày.

Ung thư dạ dày

Một số ít trường hợp, nóng rát thượng vị có thể gặp ở bệnh nhân ung thư dạ dày, kèm theo một số biểu hiện như: mệt mỏi, đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn, có thể nôn ra máu, sụt cân…

4.3. Những nguyên nhân khác gây nóng rát thượng vị

Ngoài chế độ ăn uống sinh hoạt, bệnh lý tiêu hóa, một số nguyên nhân khác gây nóng rát vùng thượng vị có thể kể đến như phụ nữ đang trong thai kỳ, tác dụng phụ của một số loại thuốc, căng thẳng, stress kéo dài.

Phụ nữ mang thai

Mang thai sẽ làm tăng áp lực lên dạ dày, ảnh hưởng đến chức năng cơ vòng dưới thực quản. Khi cơ dưới thực quản hoạt động kém sẽ không thể ngăn axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, từ đó gây ợ chua, nóng rát thượng vị.

Khi thai nhi càng phát triển sẽ càng làm tăng áp lực lên các cơ quan tiêu hóa, dễ gây tình trạng ợ nóng, ợ hơi, ợ chua,…

Tác dụng phụ của một số loại thuốc

Thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAIDs) như Aspirin, Celecoxib, Ibuprofen, Naproxen, Ketoprofen,… có thể gây ra một số tác dụng phụ ở đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng nóng rát thượng vị. Do đó, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Căng thẳng, lo âu, stress kéo dài

Căng thẳng, lo âu, stress kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương khiến chức năng của hệ tiêu hóa suy giảm. Từ đó, gây tăng tiết axit dịch vị và gây nóng rát ở vùng thượng vị.

Căng thẳng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của hệ tiêu hóa

Căng thẳng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của hệ tiêu hóa

5. Phương pháp điều trị nóng rát thượng vị

Phương pháp điều trị nóng rát thượng vị phụ thuộc vào nguyên nhân và vị trí tổn thương. Một số cách chữa nóng rát thượng vị được sử dụng như thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, sử dụng thuốc, phẫu thuật,…

5.1. Phương pháp chữa nóng rát thượng vị tại nhà

Đối với các triệu chứng nóng rát thượng vị ở mức độ nhẹ, không xảy ra thường xuyên, được phát hiện sớm thì người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn uống và lối sống như:

– Bỏ hút thuốc lá.

– Tránh đồ uống có cồn, nước có gas và cà phê.

– Tránh món ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ và có tính axit cao.

– Tăng cường trái cây, rau xanh, sản phẩm từ sữa ít béo, thịt lợn nạc, cá,…

– Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.

– Có thể sử dụng trà gừng, trà hoa cúc, trà mật ong để làm dịu bớt cơn đau.

– Khi ngủ cần kê cao gối để tránh tình trạng trào ngược dạ dày lên thực quản.

Chia nhỏ bữa ăn mỗi ngày

Chia nhỏ bữa ăn mỗi ngày sẽ giúp dạ dày hoạt động hiệu quả hơn, từ đó giảm cũng như ngừa chứng đau nóng rát thượng vị

– Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, không ăn quá nó sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng trào ngược.

– Chườm ấm sẽ giúp thư giãn, giảm hoạt động co thắt quá mức, lưu thông máu và giảm nhẹ triệu chứng đau nóng rát vùng thượng vị.

– Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân béo phì.

– Giảm căng thẳng, stress để não bộ kiểm soát hệ tiêu hóa tốt hơn.

– Tập thể dục thể thao mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe, thúc đẩy nhu động ruột hoạt động hiệu quả hơn.

5.2. Phẫu thuật điều trị nóng rát thượng vị

Phẫu thuật chống trào ngược được chỉ định nếu các triệu chứng trào ngược dạ dày – thực quản quá nghiêm trọng, các vết loét xuất hiện nhiều và xâm lấn sâu hơn vào các lớp tế bào

Phương pháp phẫu thuật điều trị loét dạ dày bao gồm: Loại bỏ toàn bộ vết loét, cắt dây thần kinh dạ dày để giảm sản xuất axit dạ dày, phẫu thuật cắt bỏ hang vị, phẫu thuật cắt bán phần, một phần hoặc toàn bộ dạ dày (từ 30 – 90% dạ dày đoạn xa).

5.3. Sử dụng thuốc điều trị nóng rát thượng vị

Điều trị nóng rát thượng vị do bệnh lý tiêu hóa có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng các loại thuốc khác nhau phụ thuộc vào nguyên nhân, bao gồm:

– Điều trị nóng rát thượng vị do trào ngược dạ dày – thực quản (GERD): Bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng axit dạ dày, thuốc ức chế axit dạ dày và thuốc ức chế bơm proton (PPI) cho người bệnh, giúp giảm triệu chứng nóng rát thượng vị, ợ chua và trào ngược axit dạ dày.

– Điều trị nóng rát thượng vị do nhiễm vi khuẩn Hp gây viêm, loét dạ dày tá tràng: Bác sĩ sẽ kê kháng sinh phối hợp thuốc kháng axit dạ dày.

Bác sĩ sẽ kê kháng sinh phối hợp thuốc kháng axit dạ dày để điều trị viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP gây ra

Bác sĩ sẽ kê kháng sinh phối hợp thuốc kháng axit dạ dày để điều trị viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP gây ra

– Điều trị nóng rát thượng vị do khó tiêu chức năng: Bác sĩ có thể kết hợp sử dụng thuốc với liệu pháp hành vi, thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt. Một số thuốc điều trị nóng rát thượng vị do khó tiêu chức năng gồm: thuốc giảm đầy hơi, thuốc ức chế axit dạ dày, thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn Hp, thuốc tăng co bóp thực quản (prokinetic), thuốc giảm buồn nôn (chống nôn).

– Điều trị nóng rát thượng vị do tác dụng phụ của thuốc hoặc do mang thai, người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị để có những biện pháp thay thế phù hợp.

6. Phòng ngừa triệu chứng nóng rát thượng vị như thế nào?

Không phải tất cả các nguyên nhân gây nóng rát thượng vị đều phòng ngừa được. Tuy nhiên, chúng ta có thể giảm nguy cơ nóng rát thượng vị, trào ngược axit bằng cách sau:

– Bổ sung nhiều nước cho cơ thể, ăn nhiều rau củ quả, trái cây nhằm trung hòa axit dịch vị dạ dày.

– Chia nhỏ bữa ăn từ 5 – 6 lần trong ngày, không ăn quá no cũng như không để bụng quá đói, ăn đúng bữa, đúng giờ.

– Hạn chế các thức ăn khó tiêu, dễ kích thích như gia vị cay, nóng, quá cứng, nhiều dầu mỡ,…

– Ưu tiên các nhóm thực phẩm tinh bột như cơm, bánh mì,… bởi chúng có tác dụng giảm tiết dịch vị và dễ thẩm thấu qua niêm mạc dạ dày.

– Uống thêm sữa và sử dụng các chế phẩm từ sữa, trứng nếu bạn không mắc hội chứng không dung nạp lactose.

– Nên sử dụng và chế biến các món ăn mềm, hạn chế thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn.

– Nên ăn chậm nhai kỹ.

– Nghĩ ngơi hợp lý, khoa học, không thức quá khuya và ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ và ăn uống điều độ.

– Cân bằng công việc và cuộc sống, giữ tâm lý luôn thoải mái, vui vẻ tránh tình trạng stress kéo dài.

– Duy trì thói quen tập luyện thể dục mỗi ngày.

Với những thông tin trên hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ về chứng nóng rát thượng vị, về nguyên nhân gây ra triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa.

Để được giải đáp các thắc mắc khác liên quan đến đau, nóng rát thượng vị và đặt lịch khám cùng chuyên gia tiêu hóa Trung ương đến từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 103 tại CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline: 0969.566.115.

CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc

122 Nguyễn Tất Thành, Phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

Website: https://benhvienvinhphuc.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/ctbenhvienquoctevinhphuc/

Ảnh poup
Đăng ký ngay

    Chúng tôi cam kết không chia sẻ thông tin cá nhân của bạn cho bên thứ 3

    Giờ làm việc

    1900 888 656
    Đặt lịch khám