Ngày hội sức khỏe - Chăm sóc & tư vấn miễn phí

Hay bị ợ nóng là bệnh gì? Nguyên nhân do đâu và cách trị ợ nóng tại nhà

Hoa Nguyễn Thị
150

Ợ nóng liên tục và thường xuyên không chỉ khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi mà còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vậy hay bị ợ nóng là bệnh gì và cách điều trị ra sao? Nội dung bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các băn khoăn trên.

1. Hiện tượng ợ nóng là gì?

Ợ nóng là cảm giác nóng rát ở ngực, phía sau xương ức hoặc vùng bụng trên, thường do sự trào ngược axit trong dạ dày lên thực quản, kèm theo vị đắng trong cổ họng hoặc miệng. Triệu chứng ợ nóng thường xảy ra khi bạn ăn quá nhiều, ăn tối muộn, khi cúi hoặc nằm xuống.

Trong nhiều trường hợp, ợ nóng là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) nhưng ở một số bệnh nhân khác, ợ nóng lại không phải là triệu chứng bệnh lý. Những người thừa cân, béo phì, phụ nữ mang thai cũng là những đối tượng thường xuyên bị ợ nóng.

Ợ nóng là cảm giác nóng rát ở ngực, phía sau xương ức hoặc vùng bụng trên, thường do sự trào ngược axit trong dạ dày lên thực quản

Ợ nóng là cảm giác nóng rát ở ngực, phía sau xương ức hoặc vùng bụng trên, thường do sự trào ngược axit trong dạ dày lên thực quản

Triệu chứng ợ hơi nóng rát thượng vị có thể điều trị hiệu quả tại nhà nhờ thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt kết hợp dùng các loại thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, nếu tình trạng ợ nóng rát cổ thường xuyên xuất hiện khiến bạn khó ăn, khó nuốt, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thì rất có thể đây là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Lúc này, bạn cần thăm khám sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có phương án điều trị phù hợp.

2. Bị ợ nóng là dấu hiệu của bệnh gì?

Nhiều nghiên cứu cho thấy khoảng 90% nguyên nhân gây ợ nóng rát cổ là do bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Ngoài ra, một số bệnh lý khác như viêm dạ dày, loét dạ dày, ung thư dạ dày, sỏi mật, bệnh tim mạch,… cùng có thể gây ra triệu chứng ợ hơi nóng cổ.

2.1.Các nguyên nhân ợ nóng do bệnh lý

Một số nguyên nhân gây ợ nóng do bệnh lý có thể kể đến như sau:

Viêm loét dạ dày: Khiến hoạt động tiêu hóa thức ăn bị suy giảm, làm tăng tiết axit dạ dày bất thường, các đầu tận thần kinh bị kích thích làm rối loạn nhu động co bóp dạ dày, dẫn đến hiện tượng trào ngược, gây ra triệu chứng ợ nóng liên tục.

Trào ngược dạ dày – thực quản: Gây ra bởi sự kết hợp của 3 yếu tố là: dạ dày tăng tiết axit dịch vị bất thường, chức năng cơ thắt thực quản dưới bị suy giảm và rối loạn nhu động dạ dày. Khi đó, dịch vị dạ dày sẽ trào ngược lên thực quản, khiến người bệnh gặp triệu chứng ợ chua, ợ nóng, đau rát thượng vị…

– Rối loạn chức năng cơ thắt thực quản dưới: Cơ thắt thực quản dưới nếu yếu hoặc mất trương lực sẽ không đóng lại hoàn toàn sau khi thức ăn vào dạ dày, khiến axit dạ dày có thể trào ngược lên thực quản gây ợ nóng.

– Rối loạn nhu động ruột: Trong quá trình tiêu hóa, thức ăn được di chuyển qua đường tiêu hóa nhờ các cơn co thắt nhịp nhàng gọi là nhu động ruột. Khi bạn bị rối loạn nhu động ruột, những cơn co thắt này sẽ diễn ra bất thường. Lúc này, thức ăn ở dạ dày không đổ xuống ruột non nhanh như bình thường. Sự kết hợp của các yếu tố như: thức ăn tồn, sự gia tăng áp lực trong dạ dày do chậm làm rỗng sẽ làm tăng axit dạ dày trào ngược lên thực quản.

– Thoát vị khe hoành: Thoát vị khe hoành xảy ra khi phần trên của dạ dày bị đẩy lên ngực qua một lỗ ở cơ hoành do suy yếu cơ hoành hoặc do tăng áp lực ổ bụng. Lỗ mở này được gọi là khe thực quản hoặc khe cơ hoành. Thoát vị khe hoành tạo điều kiện gây ra tình trạng trào ngược dạ dày và ợ nóng.

– Ung thư dạ dày: Khi đó dạ dày không thể làm tốt chức năng tiêu hóa, dẫn tới người bệnh gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu như: ợ nóng, ợ chua, khó tiêu, chướng hơi…

– Sỏi mật: Túi mật là cơ quan chứa dịch mật có thành phần enzyme tiêu hóa dầu mỡ. Khi bị sỏi mật, dịch mật tiết ra không đủ khiến lượng dầu mỡ không được tiêu hóa hết, gây kích thích niêm mạc đường ruột khiến người bệnh bị buồn nôn, nôn ói, ợ nóng, trào ngược,…

– Bệnh mạch vành: Khi người bệnh bị đau ngực do bệnh lý tim mạch, các xung động thần kinh trở nên nhạy cảm, dễ bị kích thích khiến quá trình tiêu hóa ở dạ dày bị rối loạn, axit dịch vị bị đẩy lên thực quản, khiến bệnh nhân thường xuyên gặp ợ nóng cổ họng.

2.2. Nguyên nhân ợ nóng do thói quen ăn uống, sinh hoạt

Thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trào ngược axit gây hiện tượng ợ nóng. Cụ thể:

Ợ nóng do ăn nhiều chất béo, ăn quá no

Ăn quá no hoặc tiêu thụ nhiều chất béo khiến quá trình tiêu hóa bị chậm lại, thức ăn ứ đọng lâu trong dạ dày dễ sinh khí, một phần hơi này sẽ bị đẩy ra ngoài qua đường thực quản. Khí này thường chứa acid dạ dày, khi đi qua thực quản và họng sẽ gây cảm giác nóng rát khó chịu.

Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất béo có thể là nguyên nhân gây ra chứng ợ nóng

Tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất béo có thể là nguyên nhân gây ra chứng ợ nóng

Ợ nóng do ăn thực phẩm kích thích

Thực phẩm kích thích như thức uống có gas, đồ uống có cồn, thức ăn cay nóng, trà đặc, trà bạc hà,… có thể khiến dạ dày tiết acid nhiều hơn. Thêm vào đó tình trạng rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là ở những người cơ vòng thực quản giãn, khí hơi cùng acid dư thừa dễ dàng bị đẩy lên thực quản gây ợ nóng rát cổ họng.

Ợ nóng do tác dụng phụ của thuốc

Các nhóm thuốc điều trị như Glucocorticoid, thuốc chống viêm nhóm NSAID có thể làm mỏng dịch nhầy dạ dày, tạo điều kiện cho acid dịch vị tiếp xúc niêm mạc dạ dày, kích thích hệ thần kinh chi phối co bóp dạ dày. Khi dạ dày bị rối loạn co bóp dễ khiến thức ăn và acid trào ngược lên thực quản, người bệnh sẽ triệu chứng ợ nóng, ho, rát họng,…

Ợ nóng do thói quen tập luyện

Thói quen tập luyện như trồng cây chuối, gập bụng, đẩy tạ, chạy quá sức,… sẽ gây áp lực lớn lên vùng bụng, dạ dày bị chèn ép khiến acid dễ trào ngược lên thực quản. Ngoài ra, thói quen mặc quần áo bó sát và chật cũng gây áp lực lên vùng bụng, cản trở tiêu hóa thức ăn, cơ vòng thực quản dưới bị ảnh hưởng khiến thức ăn trào ngược vào thực quản.

2.3. Nguyên nhân ợ nóng do mang thai

Tình trạng ợ nóng xuất hiện ở khoảng 80% phụ nữ mang thai. Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố kết hợp với việc gia tăng áp lực lên vùng bụng do thai nhi ngày càng phát triển. Cụ thể:

– Lượng hormone progesterone tăng cao khi người phụ nữ mang thai làm giảm trương lực cơ của cơ thắt thực quản dưới và làm chậm nhu động dạ dày, khiến thức ăn bị ứ đọng, sinh hơi và thoát ra đường miệng kèm theo axit dịch vị, dẫn đến triệu chứng ợ nóng khi mang thai.

Tình trạng ợ nóng xuất hiện ở khoảng 80% phụ nữ mang thai

Tình trạng ợ nóng xuất hiện ở khoảng 80% phụ nữ mang thai

– Trong những tháng cuối thai kỳ, thai nhi tăng trưởng về kích thước sẽ chèn ép các cơ quan nội tạng của thai phụ trong đó có dạ dày. Dạ dày bị đẩy lên cao, tạo áp lực đẩy axit trào ngược lên thực quản, làm tăng nguy cơ gây ra chứng ợ nóng cuối thai kỳ.

3. Các yếu tố làm tăng nguy cơ ợ nóng

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện chứng ợ nóng cấp tính bao gồm:

– Thường xuyên ăn các loại thực phẩm cay nóng như ớt, tiêu, hành tây, tỏi…

– Ăn nhiều trái cây có nồng độ axit cao như chanh, cam, quýt…

– Thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán.

– Bạc hà.

– Sô cô la.

– Uống rượu bia, đồ uống có gas, cà phê, đồ uống chứa caffeine.

– Hút thuốc lá.

– Nằm ngay sau khi ăn.

– Lạm dụng một số loại thuốc như aspirin hoặc ibuprofen.

– Căng thẳng và thiếu ngủ.

4. Một số triệu chứng đi kèm ợ nóng

Triệu chứng ợ nóng có thể kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng khác phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh hoặc các tổn thương trong thực quản và dạ dày. Cụ thể:

– Nóng rát thượng vị, sau xương ức đặc biệt là sau khi ăn và khi đi ngủ vào ban đêm.

– Đau ngực trầm trọng hơn khi nằm hoặc cúi xuống.

– Đắng miệng, chưa miệng.

– Đầy bụng, khó tiêu.

Đầy bụng khó tiêu là triệu chứng có thể đi kèm với ợ nóng

Đầy bụng khó tiêu là triệu chứng có thể đi kèm với ợ nóng

– Khó nuốt, buồn nôn và nôn.

– Nôn ra máu, dịch nôn có màu đen như bã cà phê.

– Khó thở, thở gấp, thở khò khè.

– Cơn đau lan sang lưng đến vai.

– Chóng mặt.

5. Ợ nóng khi nào cần đi khám?

Nếu người bệnh bị đau tức ngực dữ dội, đặc biệt khi xuất hiện thêm các triệu chứng khác như đau cánh tay, đau hàm, khó thở, đau tim,… thì cần đưa đi cấp cứu ngay lập tức. Ngoài ra, bạn cần thăm khám sớm để chẩn đoán và điều trị, tránh các biến chứng nếu tình trạng ợ nóng ngày càng trầm trọng hơn như:

– Xảy ra hơn 2 lần một tuần.

– Ợ nóng không thuyên giảm mặc dù đã dùng thuốc.

– Xuất hiện khó nuốt, buồn nôn, nôn ói dai dẳng.

– Đau ngực, tức ngực.

– Sụt cân vì chán ăn, ăn không ngon miệng.

6. Các biến chứng do ợ nóng gây ra

Chứng ợ nóng không đáng lo ngại nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu người bệnh không điều trị, một số biến chứng do ợ nóng có thể phát triển thành bệnh lý mạn tính gây khó khăn khi điều trị, đồng thời hiệu quả chữa khỏi không cao.

Cụ thể, nếu chứng ợ nóng có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng, như:

– Viêm thực quản.

– Barrett thực quản.

– Hẹp thực quản.

– Ung thư thực quản.

– Ung thư dạ dày.

– Viêm dạ dày cấp tính.

7. Chẩn đoán triệu chứng ợ nóng như thế nào?

Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng ợ nóng, bác sĩ sẽ dựa vào các chẩn đoán lâm sàng và một số chỉ định các cận lâm sàng phù hợp.

7.1.Khám lâm sàng

Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ có thể bạn một số câu hỏi liên quan đến chứng ợ nóng như:

– Chứng ợ nóng xuất hiện khi nào và mức độ ra sao, có xuất hiện liên tục hay không?

– Bạn có cảm thấy khó chịu hơn sau khi ăn không?

– Chứng ợ nóng có khiến bạn khó chịu và gây mất ngủ vào ban đêm không?

– Bạn có gặp các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, khó nuốt, chán ăn không? Có thường xuyên cảm thấy thức ăn bị trào ngược hoặc bị ợ nóng lên cổ họng, đắng miệng, chua miệng không?…

Bác sĩ có thể hỏi một số câu liên quan tới chứng ợ nóng khi khám lâm sàng

Bác sĩ có thể hỏi một số câu liên quan tới chứng ợ nóng khi khám lâm sàng

7.2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Các xét nghiệm cận lâm sàng giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra triệu chứng ợ nóng. Cụ thể:

Xét nghiệm

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu sẽ giúp khảo sát tình trạng thiếu máu dựa vào chỉ số hồng cầu và đánh giá dấu hiệu viêm nhiễm thông qua số lượng bạch cầu.

Nội soi thực quản – dạ dày

Nội soi dạ dày là tiêu chuẩn vàng để đánh giá các bệnh lý về thực quản và dạ dày. Một ống nội soi mềm, có gắn camera và nguồn sáng được đưa vào miệng của người bệnh để vào dạ dày. Nhờ hình ảnh từ camera thu được, bác sĩ có thể quan sát và đánh giá các tổn thương bên trong thực quản và dạ dày ở mức độ tế bào.

Trong một số trường hợp, nếu nghi ngờ dấu hiệu ung thư, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết tế bào và mang đi làm giải phẫu bệnh để chẩn đoán và đánh giá giai đoạn ung thư nếu có.

Chẩn đoán hình ảnh

Chụp X-quang có sử dụng chất cản quang Bari sẽ giúp bác sĩ quan sát và đánh giá các tổn thương và tình trạng của thực quản và dạ dày.

Thăm dò chức năng

– Đo pH thực quản 24h: Một máy theo dõi sẽ được đặt trong thực quản và kết nối với máy tính bên ngoài. Máy sẽ đo thời điểm axit dạ dày trào ngược vào thực quản và trào ngược trong bao lâu, từ đó đánh giá mức độ trào ngược dạ dày thực quản.

Đo áp lực nhu động thực quản

Đo áp lực nhu động thực quản là kỹ thuật dùng để chẩn đoán tình trạng trào ngược dạ dày thực quản

– Đo áp lực nhu động thực quản (HRM): Là kỹ thuật giúp khảo sát chức năng thực quản có hoạt động bình thường hay không bằng cách đo các cơn co bóp của thực quản và sự phối hợp của các cơ thực quản trong quá trình vận chuyển thức ăn đến dạ dày. Kỹ thuật này sẽ giúp xác định người bệnh có bị trào ngược dạ dày thực quản hay ko.

– Đo điện tâm đồ (ECG): Giúp đánh giá và loại trừ nguyên nhân do bệnh tim gây ra chứng ợ nóng.

8. Cách trị ợ nóng tại nhà hiệu quả

Để ngăn ngừa và điều trị triệu chứng ợ nóng hiệu quả, bệnh nhân cần kết hợp sử dụng các loại thuốc điều trị phù hợp và thay đổi chế độ ăn uống, lối sống khoa học.

8.1. Sử dụng thuốc Tây trị ợ nóng

Thuốc trị ợ nóng thường là những loại thuốc không kê đơn, giúp làm giảm các triệu chứng như thuốc kháng axit, thuốc đối kháng thụ thể H2, thuốc ức chế bơm proton,…

– Thuốc kháng axit giúp trung hòa lượng axit có trong dạ dày, giúp giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc kháng axit không thể chữa lành thực quản đã bị tổn thương bởi axit dạ dày.

Các thuốc kháng acid có tác dụng nhanh nhưng ngắn, chỉ là thuốc điều trị triệu chứng, cắt cơn đau. Các thuốc kháng acid có thể làm ảnh hưởng đến sự hấp thu của nhiều thuốc khác, nên cần uống thuốc kháng acid cách các thuốc khác ít nhất 2 giờ.

– Thuốc giảm sản xuất acid là các thuốc kháng histamin H2 như cimetidin, famotidin, nizatidin hoặc ranitidin… có tác dụng ngăn cản bài tiết dịch vị. Tác dụng của thuốc kháng histamin H2 phụ thuộc vào liều lượng và thuốc có thể làm giảm tiết cả số lượng và nồng độ acid trong dịch vị.

Tác dụng làm giảm triệu chứng không nhanh như các thuốc kháng acid nhưng lại kéo dài hơn so với các thuốc kháng acid.

– Các thuốc ức chế bơm proton (lansoprazol, omeprazol…): Có tác dụng làm giảm bài tiết acid. Dùng một liều, bài tiết acid ở dạ dày bị ức chế trong khoảng 24 giờ (thuốc kháng histamin H2 tối đa chỉ 12 giờ), từ đó hỗ trợ đẩy lùi các triệu chứng như ợ nóng, ợ chua,…

– Một số loại thuốc trị chứng ợ nóng khác có thể kể đến như bethanechol và metoclopramide, giúp cải thiện chức năng của cơ vòng thực quản dưới, giúp làm rỗng dạ dày nhanh hơn.

**Lưu ý: Bệnh nhân nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, không tự ý mua thuốc điều trị vì các loại thuốc không kê đơn luôn đều có các tác dụng phụ nếu sử dụng quá liều hoặc sử dụng trong một thời gian dài.

8.2. Thay đổi thói quen ăn uống sinh hoạt để chữa ợ nóng

– Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân sẽ gây áp lực lên ổ bụng, đẩy dạ dày lên và khiến axit trào ngược lên thực quản. Do đó, bạn cần duy trì cân nặng hợp lý.

– Tránh mặc quần áo bó sát, gây áp lực lên bụng và cơ thắt thực quản dưới.

– Tránh các loại thực phẩm dễ gây ra chứng ợ nóng như: thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, chiên rán, trái cây có hàm lượng axit cao như cam, quýt, chanh,…

– Tránh nằm ngay sau khi ăn, hoạt động nhẹ nhàng hoặc ngồi nghỉ ít nhất 3 giờ sau khi ăn.

– Tránh ăn muộn, ăn khuya, ăn trước khi đi ngủ.

Chia nhỏ bữa ăn trong ngày

Chia nhỏ bữa ăn thành 5 – 6 bữa/ ngày để giảm áp lực lên dạ dày

– Tránh ăn quá no, thay vào đó hãy chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày để giảm bớt áp lực tiêu hóa cho dạ dày.

– Nâng cao đầu khi ngủ nếu các triệu chứng ợ nóng thường xuất hiện vào ban đêm.

– Ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng, stress

– Tránh hút thuốc lá và uống rượu bia, thức uống có cồn, nước có gas và chất kích thích như cà phê, bạc hà, sô cô la. Những thực phẩm này đều làm giảm khả năng hoạt động của cơ thắt thực quản dưới.

Bài viết trên đã cung cấp thông tin tổng quan về chứng ợ nóng, hy vọng sẽ hữu ích dành cho bạn. Duy trì một thói quen ăn uống và sinh hoạt thật khoa học và lành mạnh sẽ giúp bạn tránh xa các triệu chứng tiêu hóa khó chịu như ợ nóng rát cổ, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu. Ngoài ra, đừng nên chần chừ đi khám nếu các triệu chứng khó chịu trên làm phiền bạn thường xuyên. Đó là cách để chúng ta có thể duy trì được một hệ tiêu hóa thật khỏe mạnh.

Để được giải đáp các thắc mắc khác về ợ nóng cũng như đặt lịch khám cùng chuyên gia tiêu hóa hàng đầu tại CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline: 0969.566.115.

CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc

122 Nguyễn Tất Thành, Phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

Website: https://benhvienvinhphuc.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/phongkham.benhvienquoctevinhphuc

Nguồn tham khảo

https://www.healthline.com/health/heartburn

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9617-heartburn-overview

https://www.verywellhealth.com/symptoms-of-heartburn-1741923

https://www.healthgrades.com/right-care/digestive-health/heartburn

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heartburn/symptoms-causes/syc-20373223

Ảnh poup
Đăng ký ngay

    Chúng tôi cam kết không chia sẻ thông tin cá nhân của bạn cho bên thứ 3

    Giờ làm việc

    1900 888 656
    Đặt lịch khám