Ngày hội sức khỏe - Chăm sóc & tư vấn miễn phí

Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) là gì? Quy trình thực hiện ra sao?

Hoa Nguyễn Thị
204

Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) là kỹ thuật nội soi dùng để khảo sát và điều trị các bệnh lý đường mật, ống tụy và túi mật. Vậy kỹ thuật này được thực hiện như thế nào, các biến chứng có thể xảy ra, người bệnh cần lưu ý gì trước và sau khi nội soi mật tụy ngược dòng? Bài viết dưới đây sẽ giúp quý khách hàng giải đáp những thắc mắc trên.

1. Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) là gì?

Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP – Endoscopic retrograde cholangiopancreatography) là thủ thuật chuyên biệt được sử dụng để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về hệ thống dẫn mật và ống tuyến tụy.

Đây là kỹ thuật nội soi tá tràng dưới màn tăng sáng X quang. Bác sĩ sẽ đưa catheter vào đường mật hoặc đường tụy qua ống nội soi tá tràng, sau đó bơm thuốc cản quang vào đường mật hoặc đường tụy để chẩn đoán và điều trị bệnh lý của đường mật và đường tụy. Hiện nay, nội soi mật tụy ngược dòng được áp dụng chủ yếu cho điều trị, ít sử dụng cho chẩn đoán vì có nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh với độ nhạy cao và an toàn hơn.

2. Khi nào cần thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng?

Nội soi mật tụy ngược dòng là thủ thuật can thiệp ngoại khoa thường được áp dụng để chẩn đoán nhiều bệnh lý khác nhau như:

–Vàng da tắc mật ngoài gan chưa rõ nguyên nhân

– Giãn đường mật

– Sỏi túi mật có giãn ống mật chủ

– U đường mật

– Rối loạn chức năng vận động cơ Oddi

– Giãn ống tụy

Bên cạnh đó, ERCP được chỉ định điều trị trong một số trường hợp như: 

– Cắt cơ Oddi

– Lấy sỏi ống mật chủ

– Lấy sỏi tụy

– Dẫn lưu mật mũi

– Đặt stent đường mật:

+ Ung thư đường mật vùng rốn gan

+ Ung thư đường mật vùng ngoài rốn gan khi không còn còn khả năng phẫu thuật.

+ Hẹp đường mật lành tính.

+ Sỏi lớn ống mật chủ chưa thể lấy ngay được.

+ Sỏi ống mật chủ nhưng người bệnh trong tình trạng nặng không cho phép lấy sỏi.

+ Nhiễm trùng đường mật cần dẫn lưu.

Nội soi mật tụy ngược dòng hỗ trợ đặt stent đường mật tụy

Nội soi mật tụy ngược dòng được chỉ định thực hiện nhằm hỗ trợ đặt stent đường mật tụy

– Đặt stent đường tụy.

Ngoài ra, kỹ thuật này không được chỉ định cho các đối tượng sau:

– Người bệnh nhồi máu cơ tim

– Bệnh lý tim phổi nặng

– Dị ứng với thuốc cản quang

– Rối loạn đông máu nặng

– Giảm tiểu cầu

– Đang dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu

3. Quy trình nội soi mật tụy ngược dòng được thực hiện như thế nào?

Trước khi thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng, bác sĩ sẽ gây tê họng của người bệnh bằng thuốc xịt gây tê tại chỗ. Sau đó, người bệnh sẽ được tiêm thuốc an thần vào tĩnh mạch cánh  tay để không cảm thấy khó chịu khi thực hiện và cũng giúp quá trình nội soi diễn ra thuận lợi hơn. 

Quy trình nội soi mật tụy ngược dòng

Ống nội soi đưa qua miệng người bệnh, xuống thực quản, dạ dày, tá tràng đến chỗ đổ vào tá tràng của ống mật và ống tuyến tụy

Tiếp theo, bác sĩ sử dụng một ống nội soi có camera nhìn phía bên (khác với ống soi dạ dày camera nhìn phía trước), gọi là ống nội soi tá tràng thực hiện ERCP để đưa qua miệng người bệnh, xuống thực quản, dạ dày, tá tràng đến chỗ đổ vào tá tràng của ống mật và ống tuyến tụy. 

Một ống nhựa nhỏ được luồn vào ống mật hoặc ống tụy, sau đó thuốc cản quang được tiêm vào đường mật và được soi chụp dưới màn hình X-quang. Trong quá trình nội soi, nếu phát hiện bệnh lý, bác sĩ sẽ tiến hành một số thủ thuật như: lấy sỏi ống mật chủ hoặc ống gan chung, đặt stent qua chỗ hẹp, nong chỗ hẹp…

4. Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi nội soi mật tụy ngược dòng?

– Trước khi thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng, bệnh nhân phải được nhịn ăn 6 -8 tiếng hoặc lâu hơn để đảm bảo dạ dày không còn thức ăn, tránh dịch và thức ăn trào ngược vào phổi, gây nguy hiểm đến tính mạng.

– Người bệnh cần điều chỉnh một số loại thuốc trước khi nội soi theo hướng dẫn của bác sĩ như: thuốc điều trị tiểu đường, thuốc chống đông hoặc chống kết tập tiểu cầu… để tránh nguy cơ chảy máu khi làm thủ thuật hoặc gây tắc mạch khi ngưng thuốc. Các loại thuốc như aspirin, thuốc giảm đau chống viêm có thể dùng an toàn khi tiến hành can thiệp nội soi mật tụy ngược dòng. Một số thuốc kháng sinh dự phòng là cần thiết, nên uống trước khi tiến hành can thiệp ERCP khoảng 2h.

Xét nghiệm máu trước khi nội soi mật tụy ngược dòng

Người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm máu cơ bản trước khi thực hiện ERCP

– Một số xét nghiệm mà người bệnh cần thực hiện trước khi tiến hành làm ERCP:

+ Chụp X-quang phổi, siêu âm bụng, điện tim, nội soi dạ dày, chụp cộng hưởng từ (MRI) đường mật.

+ Xét nghiệm Beta HCG đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, được khuyến cáo làm trước thủ thuật nội soi;

+ Xét nghiệm đông máu cơ bản, CTM, HIV, Glucose, ALT, AST, Bilirubin, Amylase, Creatinin, điện giải đồ.

– Khám với bác sĩ gây mê để đánh giá tất cả các yếu tố liên quan đến gây mê. Ngoài ra, người bệnh và người nhà sẽ được bác sĩ ra chỉ định nội soi mật tụy ngược dòng giải thích đầy đủ về chuẩn bị trước khi làm thủ thuật, cách thức tiến hành, lợi ích/hạn chế của thủ thuật, những tai biến có thể xảy ra. Khi bệnh nhân/người nhà đồng ý thực hiện nội soi sẽ tiến hành ký Giấy cam kết đồng ý nội soi.

5. Lưu ý sau khi thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng

– Sau khi cuộc nội soi mật tụy ngược dòng kết thúc, người bệnh sẽ được đưa về phòng hồi sức khoảng 1-2 giờ để theo dõi;

– Người bệnh không được ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong ít nhất 12 -24 giờ đầu sau khi thực hiện ERCP. Đây là thời gian cần theo dõi để phát hiện các biến chứng của nội soi mật tụy ngược dòng;

– Sau 12-24 giờ thực hiện ERCP, bệnh nhân sẽ xét nghiệm máu, siêu âm bụng, chụp XQ bụng hoặc chụp cắt lớp ổ bụng để xác định có biến chứng xảy ra hay không. Nếu không có biến chứng, người bệnh sẽ được cho ăn uống trở lại và nên ăn đồ dễ tiêu hóa.

– Sau khi xuất viện, người bệnh nên theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe, nếu xuất hiện bất thường cần thông báo cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.

Tham khảo: Nội soi tiêu hóa: Các phương pháp, quy trình và chi phí

                    Nội soi ổ bụng: Chỉ định khi nào, quy trình và lưu ý quan trọng

6. Những biến chứng có thể xảy ra sau khi thực hiện ERCP

Một số biến chứng có thể xảy ra sau nội soi mật tụy ngược dòng bao gồm:

– Chảy máu tá tràng, đường mật: Biến chứng này có thể xảy ra, đặc biệt là khi cắt cơ vòng Oddi. Tuy nhiên, tình trạng chảy máu thường không đáng kể và sẽ tự cầm được. Để xử trí biến chứng này, bác sĩ có thể thực hiện kỹ thuật nội soi như kẹp clip cầm máu, tiêm epinephrine (thuốc co mạch), hoặc sử dụng dao đốt điện. Rất hiếm khi xảy ra chảy máu cần phải can thiệp phẫu thuật. Dấu hiệu thường gặp nếu xảy ra tình trạng chảy máu bao gồm: Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, da xanh, niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhanh, tụt huyết áp, nôn ra máu, đại tiện phân đen.

– Viêm tụy cấp: Xảy ra trong vòng 24 – 48 giờ sau can thiệp ERCP. Triệu chứng nhận biết gồm: chướng bụng, đau bụng dữ dội thượng vị lệch trái. Biến chứng viêm tụy sau khi thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng thường nhẹ, hiếm khi trở nên nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

– Thủng tá tràng, đường mật: Biến chứng này thường hiếm gặp. Nếu vết thủng nhỏ không có viêm phúc mạc thì có thể điều trị qua nội soi như khâu lỗ thủng bằng kẹp Clip hoặc điều trị nội khoa như: nhịn ăn, dùng kháng sinh. Một số ít trường hợp trở nên nghiêm trọng và cần phẫu thuật. Dấu hiệu sớm nhận biết thủng tá tràng, đường mật là đau bụng dữ dội sau ngay sau can thiệp, có thể sờ thấy khí lép bép dưới da, khó thở nếu có tràn khí nhiều hoặc tràn khí trung thất.

– Nhiễm trùng đường mật (viêm đường mật, viêm túi mật) nếu kống mật không được dẫn lưu tốt, tình trạng tắc mật chưa được cải thiện hoặc bệnh nhân sẵn có tình trạng nhiễm trùng. Triệu chứng thường gặp là sốt cao rét run, đau bụng, mệt mỏi, ớn lạnh, chán ăn, nước tiểu sẫm màu…

Đau chướng bụng sau nội soi mật tụy ngược dòng

Trong 72 giờ sau nội soi mật tụy ngược dòng, nếu xuất hiện triệu chứng đau chướng bụng bạn cần tới gặp bác sĩ ngay lập tức

– Hít sặc: Xảy ra khi thức ăn từ dạ dày trào ngược và bị hít vào đường thở, gây khó thở hoặc viêm phổi. Chính vì vậy, để tránh biến chứng này, người bệnh cần nhịn ăn uống trong vài giờ trước thủ thuật.

– Các biến chứng khác có thể xảy ra bao gồm: dị ứng, tổn thương răng do răng bị khiếm khuyết từ trước, chấn thương thanh quản, khàn tiếng nhẹ, khó nuốt, đầy hơi khó chịu (do không khí còn lại trong dạ dày và ruột sau khi làm thủ thuật).

Nhìn chung, tỷ lệ biến chứng của nội soi mật tụy ngược dòng là từ 5-7% trong tổng số các ca thực hiện, tỷ lệ tử vong chỉ chiếm 0,3%.

Trong vòng 72 giờ sau khi nội soi mật tụy ngược dòng, nếu xuất hiện các triệu chứng như đau chướng bụng, sốt cao, ớn lạnh, nôn ói, đi ngoài ra máu, đi ngoài phân đen, cảm giác lạo xạo dưới da… thì người bệnh phải đến bệnh viện ngay lập tức để được kiểm tra và xử lý kịp thời.

7. Thời gian khi thực hiện nội soi mật tụy ngược dòng

Sau can thiệp nội soi mật tụy ngược dòng, người bệnh phải nằm theo dõi và điều trị tại viện từ 2 – 3 ngày. Nếu không có biến chứng thì người bệnh có thể xuất viện, theo dõi và chăm sóc tại nhà.

Lưu ý, người bệnh cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi tình trạng bệnh đến khi khỏi hoàn toàn.

Xem thêm: Nội soi đường ruột như thế nào? Cần lưu ý gì khi nội soi?

8. Nội soi mật tụy ngược dòng có nguy hiểm không?

ERCP được coi là một thủ tục có rủi ro thấp, tuy nhiên, các biến chứng có thể xảy ra như viêm tụy, nhiễm trùng, thủng ruột và chảy máu. Trong đó, những người đang được áp dụng ERCP để điều trị, nhất là điều trị sỏi mật sẽ có nguy cơ biến chứng cao hơn những người được áp dụng ERCP cho việc chẩn đoán. Do đó, người bệnh nên tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn của bác sĩ trước, trong và sau quá trình ERCP.

Bác sĩ giải thích cho người bệnh

Người bệnh nên tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn của bác sĩ để ca nội soi mật tụy ngược dòng diễn ra thuận lợi

9. Chi phí nội soi mật tụy ngược dòng bao nhiêu tiền?

Chi phí nội soi mật tụy ngược dòng bao nhiêu tiền phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng bệnh, địa chỉ thực hiện, tay nghề bác sĩ, trang thiết bị máy móc… Chính vì vậy, không có con số cụ thể để trả lời cho thắc mắc nội soi mật tụy ngược dòng bao nhiêu tiền. Để biết chính xác mức chi phí này, người bệnh cần liên hệ tới hotline của các bệnh viện uy tín để tham khảo.

Với những thông tin đã cung cấp trong bài viết, hy vọng khách hàng đã hiểu thêm về kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng. Đây là kỹ thuật đòi hỏi trình độ chuyên môn của bác sĩ cũng như sự hỗ trợ của trang thiết bị máy móc hiện đại. Do đó, để đảm bảo an toàn, người bệnh nên thực hiện kỹ thuật này tại các bệnh viện uy tín, chất lượng.

CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc

122 Nguyễn Tất Thành, Phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

Hotline: 0969.566.115

Website: https://benhvienvinhphuc.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/122nguyentatthanh

Email: phongkhamvinhphuc1@gmail.com.

Ảnh poup
Đăng ký ngay

    Chúng tôi cam kết không chia sẻ thông tin cá nhân của bạn cho bên thứ 3

    Giờ làm việc

    1900 888 656
    Đặt lịch khám