Ngày hội sức khỏe - Chăm sóc & tư vấn miễn phí

Ợ nước bọt, tăng tiết nước bọt nhiều có sao không? Nguyên nhân và cách chữa

Hoa Nguyễn Thị
230

Nước bọt đóng vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa, giúp tiêu hóa thức ăn và sát khuẩn miệng. Tuy nhiên, hiện tượng ợ nước bọt nhiều, tăng tiết nước bọt không chỉ gây phiền toái cho sinh hoạt của người bệnh mà còn là dấu hiệu cảnh báo bất thường về tiêu hóa. Vậy nguyên nhân của triệu chứng này là gì và cách xử lý ra sao, các bạn hãy tham khảo thông tin bài viết dưới đây.

1. Ợ nước bọt, tăng tiết nước bọt là gì?

Mỗi chúng ta đều có các tuyến nước bọt, bao gồm: tuyến nước bọt mang tai (tuyến nước bọt lớn nhất), tuyến nước bọt dưới hàm và tuyến nước bọt dưới lưỡi.

Trong nước bọt có thành phần chính là các chất nhầy, men tiêu hóa, muối khoáng, chất sát khuẩn, đạm, ure và bạch cầu,… Ngoài tác dụng làm ướt vùng miệng thì nước bọt còn đóng vai trò trong tiêu hóa thức ăn thông qua việc phân hủy tinh bột nhờ men amylase. Nước bọt giúp làm ướt thức ăn để dễ nuốt hơn và còn hỗ trợ sát khuẩn miệng.

Ợ nước bọt hay tăng tiết nước bọt bất thường xảy ra khi lượng nước bọt trong miệng tiết ra quá nhiều không kiểm soát được

Ợ nước bọt hay tăng tiết nước bọt bất thường xảy ra khi lượng nước bọt trong miệng tiết ra quá nhiều không kiểm soát được

Một người bình thường có thể tiết ra từ 800 – 1.500ml nước bọt trong 24h. Nếu lượng nước bọt tiết ra trong một ngày quá ít hoặc quá nhiều đều gây ra nhiều phiền toái cho mọi người.

Ợ nước bọt hay tăng tiết nước bọt bất thường xảy ra khi lượng nước bọt trong miệng tiết ra quá nhiều không kiểm soát được, khiến người bệnh phải khạc nhổ liên tục. Tăng tiết nước bọt không chỉ gây ảnh hưởng cho sinh hoạt thường ngày mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác về sức khỏe.

Tham khảo: Bị ợ chua là gì? Nguyên nhân, triệu chứng đi kèm và cách khắc phục

2. Các nguyên nhân gây ợ nước bọt nhiều?

Nước bọt được tiết ra từ tuyến nước bọt, đóng vai vò quan trọng trong hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu bạn ợ nước bọt quá nhiều thì trong một số trường hợp, nó có thể là hiện tượng bất thường. Nguyên nhân của triệu chứng ợ nước bọt này được lý giải như sau:

2.1.Do thói quen ăn uống hằng ngày

Thói quen ăn uống hằng ngày có thể ảnh hưởng đến triệu chứng ợ nước bọt nhiều, trào ngược nước bọt như ăn nhiều đồ ăn cay, nóng, quá chua, quá ngọt sẽ làm tăng kích thích cơ thể sản sinh nước bọt vùng miệng. Bên cạnh đó, thói quen ăn nhiều đồ cay nóng, nhiều đường còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường.

2.2.Do thói quen vệ sinh răng miệng

Triệu chứng ợ nước bọt nhiều cũng rất dễ gặp ở trẻ em do đây là đối tượng thường gặp các vấn đề răng miệng, vệ sinh răng kém nên dễ gây tăng tiết nước bọt bất thường trong khoang miệng. Ngoài ra, trẻ dưới 3 tuổi đang trong thời kỳ mọc răng nên cha mẹ có thể gặp tình trạng tăng tiết nước bọt ở trẻ. Tuy nhiên, điều này không đáng lo ngại, mẹ cần lưu ý vệ sinh miệng sạch sẽ cho con.

Vệ sinh răng miệng kém cũng là yếu tố góp phần tăng tiết nước bọt

Vệ sinh răng miệng kém cũng là yếu tố góp phần tăng tiết nước bọt

Ở người lớn, vệ sinh răng miệng kém cũng là yếu tố góp phần tăng tiết nước bọt, vì vậy bạn cần vệ sinh răng miệng cẩn thận, dùng chỉ nha khoa, chải răng đúng cách, dùng nước súc miệng để vệ sinh răng miệng.

2.3. Ợ nước bọt nhiều cảnh báo các bệnh lý

Hiện tượng trào ngược tiết bọt, nước bọt tiết ra quá nhiều so với bình thường có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý dưới đây:

2.3.1. Trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng ợ nước bọt, tăng tiết nước bọt nhiều hơn bình thường. Nguyên nhân là dokKhi mắc trào ngược dạ dày, niêm mạc dạ dày bị kích thích, nước bọt phải tiết ra nhiều hơn để trung hòa axit. Ngoài tiết nước bọt, người bệnh sẽ gặp phải các dấu hiệu khác ợ hơi, ợ chua, cảm giác buồn nôn, chua miệng, đăng miệng…

2.3.2. Bệnh viêm tụy

Bệnh viêm tụy cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra chứng ợ nước bọt bất thường. Bởi lúc này chức năng tuyến tụy bị rối loạn và gây hiện tượng tăng tiết nước bọt. Do đó, khi thấy triệu chứng trào ngược nước bọt, tăng tiết nước bọt thường xuyên thì bạn hãy đi khám sớm vì nó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm tụy.

2.3.3. Bệnh về gan

Nước bọt tiết ra trong khoang miệng do hệ thần kinh điều khiển. Khi bạn mắc các bệnh lý về gan sẽ khiến hệ thần kinh bị ảnh hưởng, dẫn tới lượng nước bọt tiết ra nhiều hơn. Bên cạnh ợ nước bọt, bệnh nhân mắc bệnh gan còn có triệu chứng chán ăn, buồn nôn, sợ đồ dầu mỡ…

2.3.4. Mắc các bệnh về răng miệng

Viêm amidan, viêm họng, nhiệt miệng… cũng là một trong những nguyên nhân gây tăng tiết nước bọt, trào ngược nước bọt.

2.3.5. Viêm tuyến nước bọt hoặc tắc tuyến nước bọt

Mỗi chúng ta có 3 tuyến nước bọt chính và hàng trăm tuyến nước bọt nhỏ có tác dụng làm lắng nước bọt từ các ống nước bọt xung quanh miệng. Nếu một trong ba tuyến nước bọt bị viêm do sỏi, ống dẫn tuyến nước bọt bị tắc nghẽn cũng là nguyên nhân gây tình trạng tăng tiết nước bọt, trào ngược nước bọt.

Tuyến nước bọt bị viêm hoặc bị tắc là nguyên nhân gây tăng tiết nước bọt, ợ nước bọt nhiều

Tuyến nước bọt bị viêm hoặc bị tắc là nguyên nhân gây tăng tiết nước bọt, ợ nước bọt nhiều

2.3.6. Bệnh Pellagra

Bệnh xảy ra do thiếu niacin trong cơ thể khiến miệng tiết nước bọt nhiều hơn bình thường.

2.3.7. Bệnh dại

Nếu trước đó người bệnh bị chó dại cắn, tiếp xúc và bị trầy xước bởi súc vật thì nguy cơ mắc bệnh dại là rất lớn. Khi nghi ngờ bị bệnh dại, người bệnh cần đến ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Chi tiết: Thường xuyên ợ chua nóng cổ là dấu hiệu của bệnh gì?

3. Cách chữa tăng tiết nước bọt nhiều

Để điều trị ợ nước bọt hiệu quả, người bệnh cần thăm khám sớm để tìm đúng nguyên nhân gây bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp. Dưới đây là một số cách khắc phục bệnh:

3.1.Sử dụng thuốc điều trị chứng ợ nước bọt nhiều

Sử dụng thuốc tây chữa trào ngược có ưu điểm là mang lại hiệu quả nhanh chóng. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho người bệnh tùy thuộc vào tình trạng bệnh, một số loại thuốc bác sĩ thường dùng bao gồm:

3.1.1.Thuốc trung hòa acid

Thuốc trung hòa acid có tác dụng tạo phản ứng trung hòa với acid HCl, giúp giảm acid dịch vị nhanh chóng. Nhóm thuốc này có ưu điểm là tác dụng nhanh, giảm triệu chứng nhanh nhưng nếu dùng kéo dài có thể gây tác dụng phụ như: táo bón, tiêu chảy…

Thành phần của thuốc trung hòa acid thường là các muối nhôm và muối magnesi. Nếu dùng các loại thuốc chứa đơn lẻ thành phần trên thì rất dễ gây ra tác dụng phụ. Chính vì vậy, hiện nay các nhà sản xuất thường kết hợp cả 2 loại muối trên trong chế phẩm để giảm tối đa các tác dụng phụ mà thuốc gây ra.

3.1.2.Thuốc kháng thụ thể H2

Thuốc kháng thụ thể H2 có tác dụng tới các thụ thể H2 tại tế bào thành, gây ức chế tiết acid dạ dày, giúp đẩy lùi bệnh lý trào ngược dạ dày hiệu quả trong đó có tình trạng ợ nước bọt nhiều.

Ưu điểm của thuốc kháng thụ thể H2 là giá thành rẻ, tác dụng nhanh hơn so với nhóm ức chế bơm Proton H+ nhưng khả năng ức chế tiết acid dịch vị kém hơn nhóm PPI.

3.1.3. Thuốc ức chế bơm Proton

Thuốc ức chế bơm proton H+ (PPI) có tác dụng ức chế sự hoạt động của enzym H+K+ ATPase, từ đó ngăn chặn sự bài tiết acid HCl. Chính vì vậy, đây được coi là thuốc giảm tiết acid dịch vị mạnh nhất và được dùng phổ biến hiện nay.

Các thuốc ức chế bơm Proton H+ có thể gây ra một vài tác dụng phụ như:  đau đầu, rối loạn tiêu hóa nhẹ, dị ứng, phát ban, suy gan, thận…

Điều trị chứng ợ nước bọt bằng thuốc Tây

Điều trị chứng ợ nước bọt bằng thuốc Tây

Sử dụng thuốc Tây thường tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ khó lường, vì vậy, trong quá trình uống thuốc người bệnh nên tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng cũng như thời gian sử dụng. Tránh tự ý tăng giảm liều lượng, thời gian sử dụng bởi có thể gây nhờn thuốc khiến quá trình điều trị bị gián đoạn và tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn.

3.2. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Chế độ ăn uống giúp hỗ trợ điều trị chứng ợ nước bọt hiệu quả, dưới đây là một số gợi ý cho người bệnh:

– Ăn các thực phẩm tốt cho tiêu hóa như rau xanh, trái cây tươi, các loại đậu, bánh mì, sữa chua… giúp tăng cường vitamin và khoáng chất cho cơ thể

– Tránh thực phẩm nhiều acid, cay nóng, chiên rán nhiều dầu mỡ

– Hạn chế sử dụng bia, rượu, cafe, thuốc lá, đồ uống có chất kích thích

– Sau khi ăn không nên nằm ngay mà nên đi lại nhẹ nhàng

– Nên chia nhỏ các bữa ăn, không ăn quá no để giảm áp lực lên hệ tiêu hóa

– Ăn chậm, nhai kĩ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

3.3. Áp dụng lối sống lành mạnh

Để khắc phục tình trạng ợ nước bọt nhiều, bạn nên xây dựng cho lối sống khoa học, lành mạnh như:

– Duy trì cân nặng phù hợp bởi nếu lượng mỡ bụng quá nhiều có thể gây áp lực lên dạ dày và cơ thắt thực quản, từ đó gây tình trạng trào ngược kèm ợ nước bọt, ợ chua…

– Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức quá khuya bởi có thể ảnh hưởng đến hormone có trong dạ dày.

– Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh tâm lý stress, áp lực

– Khi ngủ nên gối đầu và nằm nghiêng sang trái sẽ giúp hạn chế trào ngược.

Trên đây là những thông tin cơ bản về chứng ợ nước bọt, nguyên nhân cũng như cách khắc phục tình trạng này.  Hy vọng sẽ hữu ích đối với bạn. Để được giải đáp các thắc mắc khác về ợ chua cũng như đặt lịch khám cùng chuyên gia tiêu hóa hàng đầu tại CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc, khách hàng vui lòng liên hệ Hotline: 0969.566.115.

CT Bệnh viện Quốc tế Vĩnh Phúc

122 Nguyễn Tất Thành, Phường Liên Bảo, Thành phố Vĩnh Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc

Website: https://benhvienvinhphuc.com/

Fanpage: https://www.facebook.com/122nguyentatthanh

Ảnh poup
Đăng ký ngay

    Chúng tôi cam kết không chia sẻ thông tin cá nhân của bạn cho bên thứ 3

    Giờ làm việc

    1900 888 656
    Đặt lịch khám